CA BỆNH CHẨN ĐOÁN NẤM PHỔI PHÂN BIỆT VỚI LAO PHỔI
CA BỆNH CHẨN ĐOÁN NẤM PHỔI PHÂN BIỆT VỚI LAO PHỔI
Nấm phổi là một căn bệnh nguy hiểm và thường gặp nhưng lại ít được biết đến. Trên thế giới, nấm phổi khiến hơn 1,6 triệu người tử vong mỗi năm. Theo ước tính, tại Việt Nam có khoảng 15,000 ca nấm phổi xâm lấn mỗi năm, tuy nhiên số được chẩn đoán đúng rất ít chỉ khoảng 0,1% các ca nấm phổi. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong khi mắc nấm phổi rất cao từ 30-80%, đặc biệt nếu nấm phổi xâm lấn không được điều trị, 100% bệnh nhân sẽ tử vong. Chính vì vậy, việc chẩn đoán sớm và điều trị đúng ngay từ đầu là rất quan trọng. Tuy nhiên, chẩn đoán Nấm phổi khá khó khăn bởi vì cũng giống như các bệnh hô hấp khác, nấm phổi có các triệu chứng như ho, khạc đờm, ho ra máu, khó thở, đau ngực hay sốt… Tất cả các triệu chứng này đều không đặc hiệu, nên đối với cả người bệnh và nhân viên y tế đều dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh viêm phổi, lao phổi…. Ca bệnh sau đây là một trường hợp điển hình.
Bệnh nhân là chị Đ.T.H 53 tuổi, đang sinh sống và làm việc ở Đắk Lắk. Ban đầu chị ấy bị ho hơn 1 tháng, ho ra đờm màu vàng đục. Chị ấy chỉ nghĩ đơn giản là bị viêm họng thông thường nên ra hiệu thuốc gần nhà mua kháng sinh, long đờm uống nhưng mãi mà không đỡ. Thấy các triệu chứng có xu hướng nặng hơn, chị nghe lời người thân, đã đi khám cẩn thận tại một bệnh viện tư có tiếng. Kết quả khám ban đầu, hình ảnh phim Xquang và cắt lớp vi tính ngực của chị phát hiện có tổn thương phổi (Hình 1) đồng thời kết quả xét nghiệm đờm có vi khuẩn lao nên chị được bác sĩ chẩn đoán là Lao phổi và tư vấn chuyển BV Phổi Trung Ương để điều trị tiếp.
Hình 1: Phim chụp cắt lớp vi tính lồng ngực ở mặt phẳng đứng ngang lúc vào viện
Theo BSNT Nguyễn Ngọc Trường Thi, sau khi tiếp nhận ban đầu bệnh nhân này nhận định: “Ở bệnh nhân này, mặc dù các triệu chứng hô hấp khá giống bệnh lao phổi, phim phổi có tổn thương và xét nghiệm tìm thấy vi khuẩn lao trong đờm tuy nhiên chẩn đoán Lao phổi cần phải xem xét cẩn thận lại do hình ảnh tổn thương trên phim là tổn thương dạng đông đặc ở thuỳ dưới trái có vẻ không phù hợp với tổn thương lao phổi điển hình thường là đám thâm nhiễm ở phần cao của phổi”. Vì vậy, Ban Lãnh đạo và các bác sĩ Trung tâm điều trị theo yêu cầu công nghệ cao đã tổ chức hội chẩn và quyết định chỉ định cho bệnh nhân làm thêm Nội soi phế quản và Sinh thiết tổn thương phổi dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính để chẩn đoán chính xác cho người bệnh. Đây là 2 thủ thuật kỹ thuật xâm lấn, yêu cầu trang thiết bị hiện đại và trình độ cao, đã và đang được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Phổi Trung ương với quy trình thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người bệnh, tuy nhiên thủ thuật cũng tiềm ẩn một số nguy cơ tai biến cho người bệnh. Sau khi được bác sĩ giải thích đầy đủ về tình trạng bệnh, mục đích tại sao cần làm thêm chẩn đoán và những nguy cơ tai biến có thể xảy ra dù rất thấp, chị Đ.T. H cho biết: “Tôi rất tin tưởng và yên tâm với các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Trung ương, vì đây đã là tuyến cuối cùng về bệnh phổi rồi, các bác sĩ cứ làm cho tôi những gì tốt nhất”. Với sự tin tưởng và quyết tâm của bệnh nhân, các bác sĩ đã được tiến hành 2 thủ thuật trên an toàn, thuận lợi. Cuối cùng, kết quả xét nghiệm đúng như nghi ngờ ban đầu của các bác sĩ, kết quả xét nghiệm dịch phế quản qua nội soi phế quản không tìm thấy vi khuẩn lao, còn kết quả mô bệnh học qua sinh thiết phổi phát hiện tổn thương do nấm Cryptococus neoformans. Với những kết quả này, bệnh nhân được chẩn đoán Nấm phổi Cryptococus neoformans và được hội chẩn chuyên gia nấm phổi và quyết định điều trị bằng thuốc kháng nấm cho bệnh nhân. Sau 2 tuần điều trị thuốc kháng nấm, tình trạng của bệnh nhân có tiến triển tốt, bệnh nhân đỡ ho, số lượng đờm giảm, đờm chuyển sang màu trắng, hình ảnh chụp phim thấy tổn thương giảm nhiều so với ban đầu (Hình 2).
Hình 2: Hình ảnh phim cắt lớp vi tính ở mặt phẳng đứng ngang sau 2 tuần điều trị
Hình 3: hình ảnh Xquang phổi sau khi kết thúc điều trị
Sau 2 tuần điều trị tấn công, bệnh nhân đã được ra viện và tiếp tục điều trị thuốc kháng nấm tại nhà và tái khám hằng tháng tại Phòng khám ngoại trú Trung tâm công nghệ cao. Qua mỗi tháng tái khám, sức khoẻ của bệnh nhân ngày một cải thiện, tổn thương phổi tiếp tục thu nhỏ dần. Kết thúc phác đồ điều trị, tổn thương phổi của chị hồi phục gần hoàn toàn (hình 3), người bệnh hết hoàn toàn các triệu chứng và có thể sinh hoạt, làm việc bình thường. Tại lần thăm khám cuối cùng, chị chia sẻ: “Sức khoẻ hiện tại của tôi đã hoàn toàn bình phục, tôi rất biết ơn các y bác sĩ đã tìm ra đúng bệnh trong thời gian ngắn nhất cho tôi, nhờ thế mà điều trị mới hiệu quả, nếu điều trị theo hướng Lao phổi thì tôi không biết sẽ như thế nào, thuốc lao thì lại có nhiều tác dụng phụ. Tôi xin chúc các y bác sĩ có nhiều sức khoẻ để tiếp tục giúp đỡ những người bệnh như chúng tôi”
Chia sẻ về ca bệnh này, các chuyên gia về Nấm phổi tại Bệnh viện Phổi Trung Ương cho biết: “Nấm phổi là bệnh thường gặp ở những người có hệ miễn dịch suy giảm, ít gặp ở người khỏe mạnh. Nấm phổi là bệnh nhiễm trùng phổi, bệnh rất khó được chẩn đoán và dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm phổi khác, bởi các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác, kể cả khi người bệnh đã được chụp CT thì cũng chưa thể khẳng định được chắc chắn người bệnh có bị nấm phổi hay không.Có ba loại nấm gây bệnh ở phổi thường gặp nhất, bao gồm: Aspergillus, Candida và Cryptococus. Để chẩn đoán Nấm phổi chính xác, cần phải xét nghiệm đờm tìm nấm, ở những trường hợp khó cần tiến hành Nội soi phế quản hoặc Sinh thiết phổi dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính để lấy được bệnh phẩm để làm xét nghiệm tìm nấm”
Từ khoá: #namphoi #noisoiphequan #sinhthietphoi #thuocnam #laophoi