CỨU SỐNG NAM THANH NIÊN HO RA MÁU DO LAO PHỔI NGUY KỊCH TÍNH MẠNG
CỨU SỐNG NAM THANH NIÊN HO RA MÁU DO LAO PHỔI NGUY KỊCH TÍNH MẠNG
Ho ra máu nếu không được khám và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong do suy hô hấp hoặc mất máu. Vừa qua, các bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Phổi Trung ương đã cấp cứu kịp thời cứu sống một trường hợp ho ra máu nguy kịch.
Bệnh nhân L.A.H (nam 24 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) có biểu hiện gầy sút cân, ho đờm kéo dài khoảng hơn 1 năm nay, có lần ho ít máu lẫn đờm nhưng chưa đi khám. Đợt này bệnh nhân H. đột ngột ho ra máu tại nhà khoảng 100ml kèm theo khó thở, được người nhà đưa đến bệnh viện Phổi Trung ương ngày 21/8.
Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân H. tiếp tục ho ra khoảng 400ml máu đỏ tươi, kèm theo tình trạng suy hô hấp, giảm oxy máu, độ bão hòa oxy máu giảm rất thấp dù đã thở oxy liều cao (SpO2 ≈ 70%) đe dọa tính mạng, ngay lập tức bệnh nhân được tiến hành các kỹ thuật cấp cứu đảm bảo tính mạng: đặt nội khí quản, thở máy, bù dịch, cầm máu, an thầm…
Đặt ống nội khí quản kiểm soát đường thở cho người bệnh suy hô hấp
Song song với tiến hành các kỹ thuật hồi sức cấp cứu bệnh nhân nhanh chóng được làm các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh: Chụp cắt lớp vi tính dựng mạch, lấy máu, xét nghiệm đờm, nội soi phế quản… Các bác sỹ khoa Cấp cứu, phối hợp cùng các chuyên gia sau khi hội chẩn kết luận đây là một trường hợp ho ra máu tắc nghẽn do lao phổi, bệnh nhân lập tức được chuyển đến phòng can thiệp mạch để thực hiện kỹ thuật nút mạch phế quản cầm máu và sử dụng thuốc lao sớm.
Hình ảnh cắt lớp vi tính của bệnh nhân H, có rất nhiều nốt, hang và giãn phế quản 2 bên do lao phổi
BSCKI. Nguyễn Văn Trường, phó trưởng khoa Cấp cứu cho biết, ho ra máu là một tình trạng thường gặp trong cấp cứu về bệnh lao và bệnh phổi ở nước ta hiện nay, tỉ lệ tử vong cao. Ho ra máu có nhiều mức độ khác nhau, có thể từ ít máu lẫn trong đờm tới ho ra máu nặng đe dọa tính mạng. Trường hợp bệnh nhân H. là mức độ ho ra máu rất nặng, máu chảy và gây bít tắc đường thở khiến bệnh nhân không trao đổi được oxy, chỉ sau một vài phút sẽ dẫn đến suy hô hấp cấp, trụy tuần hoàn và có thể tử vong ngay sau đó khiến các bác sĩ không kịp trở tay. Điều quan trọng hàng đầu khi xử trí những trường hợp như vậy là các kỹ thuật cấp cứu ban đầu, khai thông đường thở, đảm bảo thể tích tuần hoàn sau đó mới tiến hành các kỹ thuật chuyên sâu để cầm máu và điều trị nguyên nhân.
Kỹ thuật nút và chụp mạch phế quản cầm máu
Sau can thiệp mạch tình trạng chảy máu của bệnh nhân H. đã cầm và bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngay ngày hôm sau. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị thuốc cầm máu kết hợp với điều trị thuốc lao theo phác đồ. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân H. tiến triển rất tốt, có thể tự sinh hoạt và làm việc nhẹ nhàng, bệnh nhân H. đã được xuất viện ngày 6/9 để tiếp tục điều trị ngoại trú thuốc lao theo Chương trình Chống lao quốc gia.
Theo các bác sĩ, bệnh lí ho máu không hiếm gặp, thường có nhiều nguyên nhân như: Bệnh lao phổi, ung thư phế quản phổi, giãn phế quản – phế nang, nấm phổi, giãn động mạch phế quản, tắc động mạch phổi, áp xe phổi, viêm phổi, dị vật đường hô hấp dưới rồi bệnh lí phổi bẩm sinh… Vì vậy, người bệnh nếu đã bị ho ra máu, cho dù ho máu số lượng ít hay nhiều đều nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa để khám, phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Trưởng hợp của bệnh nhân H. chỉ là một trong hàng trăm ca bệnh được các bác sỹ khoa Cấp Cứu xử trí và điều trị kịp thởi. Hàng năm, khoa Cấp cứu tiếp nhận, thăm khám và xử trí hàng nghìn trường hợp ho ra máu từ nhẹ đến nặng, giành giật sự sống cho hàng trăm ca ho máu nguy kịch. Các kỹ thuật tiên tiến hiện đại về hồi sức cấp cứu, can thiệp mạch cũng như phẫu thuật luôn được cập nhật theo kịp nền y học tiên tiến trên thế giới, xứng tầm là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về bệnh phổi trên cả nước.
#horamau #nutmach #laophoi