HÀNH TRÌNH HỒI PHỤC KỲ DIỆU CỦA CẬU BÉ “DA BỌC XƯƠNG” DO NẤM PHỔI
HÀNH TRÌNH HỒI PHỤC KỲ DIỆU CỦA CẬU BÉ “DA BỌC XƯƠNG” DO NẤM PHỔI
Can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhi là một lĩnh vực khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ theo dõi và thay đổi hàng ngày theo diễn biến bệnh. Cách đây 4 năm, một cậu bé với chẩn đoán nấm phổi, cơ thể chỉ còn “da bọc xương” đã hồi phục một cách kỳ diệu nhờ sự phối hợp kịp thời giữa phác đồ điều trị thuốc và chế độ dinh dưỡng.
Bệnh nhi N.T.N được chuyển từ Bệnh viện tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai và chuyển sang Bệnh viện Phổi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi rất nặng do nấm phổi, kèm theo tắc mật và viêm cầu thận. Thể trạng của cháu N lúc này vô cùng suy kiệt, cân nặng chỉ đạt 30kg. Toàn bộ khối cơ, lớp mỡ dưới da của cháu đều thiếu hụt.
Với thể trạng quá suy kiệt, bệnh nhi không thể tự ngồi dậy hay đi lại bình thường. Bên cạnh đó, do tình trạng bệnh nặng, khẩu vị thay đổi, khẩu phần ăn hàng ngày của cháu N rất hạn chế, đạt dưới 30% nhu cầu khuyến nghị. Nếu tình trạng này tiếp tục duy trì, các phác đồ thuốc điều trị sẽ khó đạt được kết quả tốt nhất.
Ảnh 1: Bệnh nhi N không thể tự đứng bình thường do bệnh nặng và thể trạng suy kiệt.
Nhận định đây là một ca bệnh rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp tích cực giữa phác đồ điều trị thuốc, chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập luyện hợp lý, ngay từ những ngày đầu bệnh nhi N nhập viện, khoa Dinh dưỡng và tiết chế đã theo dõi diễn biến của người bệnh một cách sát sao. Bệnh nhi N được sàng lọc và đánh giá tình trạng dinh dưỡng ngay ở thời điểm nhập viện và mỗi 3 ngày sau đó để nhận biết những thay đổi nhỏ nhất về tình trạng dinh dưỡng của cháu.
Ảnh 3: Bệnh nhi N được bác sĩ khoa Dinh dưỡng và tiết chế thăm khám, đánh giá tình trạng dinh dưỡng.
Do khả năng ăn đường miệng kém, không đáp ứng được đủ nhu cầu hàng ngày, khoa Dinh dưỡng và tiết chế đã đề xuất với bác sĩ điều trị đặt ống thông mũi - dạ dày cho cháu N và xây dựng phác đồ điều trị dinh dưỡng cá thể. Phác đồ được thay đổi hàng ngày dựa vào đáp ứng của cháu. Khẩu phần ăn hàng ngày của bệnh nhi N được giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ, định lượng cẩn thận để đảm bảo điều trị. Đã có những thời điểm, cháu N không đáp ứng với chế độ dinh dưỡng, xuất hiện các triệu chứng bất dung nạp thực phẩm. Cán bộ khoa vẫn không nản lòng, tiếp tục thay đổi chế độ dinh dưỡng để việc điều trị đạt kết quả cao nhất.
Sau những ngày liên tục theo dõi và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tổng năng lượng 24 giờ của cháu N có những chuyển biến tích cực. Từ những ngày đầu, cháu chỉ tiếp nhận 200 - 300kcal mỗi ngày, mức năng lượng đã tăng dần tới 500kcal vào ngày điều trị thứ 8, 900kcal vào ngày điều trị thứ 10 và đạt 1500kcal vào ngày thứ 20. Thời điểm này, bệnh nhi được rút ống thông mũi - dạ dày, trở lại ăn đường miệng. Tổng năng lượng 24 giờ của cháu N tiếp tục tăng, đạt 2100kcal và duy trì ổn định. Bệnh nhi ăn hoàn toàn bằng đường miệng với những thực phẩm thông dụng hàng ngày để đảm bảo duy trì được chế độ ăn khi xuất viện.
Ảnh 4: Một bữa ăn của bệnh nhi.
Trong gần 1 tháng điều trị, tình trạng dinh dưỡng của cháu N có những chuyển biến tích cực: tăng được 2kg, albumin huyết thanh tăng từ mức thấp (22g/L) lên ngưỡng bình thường (34g/L), tình trạng thiếu máu cũng được cải thiện nhiều. Từ việc chỉ có thể nằm và mọi sinh hoạt đều diễn ra ở giường bệnh, sau 1 tháng cháu N đã có thể tự ngồi dậy và đi lại, sinh hoạt bình thường như trước khi mắc bệnh. “Cháu nhớ gia đình, nhớ bạn bè. Cháu mong sớm được ra viện để được về đi học…” - N chia sẻ trong một lần được thăm khám và đánh giá tình trạng dinh dưỡng.
Ảnh 5: Bệnh nhi N trong ngày xuất viện.
Sau 3 tháng điều trị tích cực tại Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhi N và gia đình không giấu được niềm vui khôn xiết khi được xuất viện. Hiện tại, cháu hoàn toàn sinh hoạt và học tập bình thường tại địa phương. Thành công trong việc can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhi tại Bệnh viện Phổi Trung ương đã khẳng định những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ khoa Dinh dưỡng và tiết chế, khẳng định vai trò quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị. Những bài học rút ra từ ca bệnh này sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho những trường hợp can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhi tại Bệnh viện Phổi Trung ương trong tương lai.