THAY KHỚP HÁNG NHÂN TẠO – BƯỚC ĐỘT PHÁ GIÚP NGƯỜI BỆNH LAO KHỚP HÁNG TÁI HÒA NHẬP CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG
THAY KHỚP HÁNG NHÂN TẠO – BƯỚC ĐỘT PHÁ GIÚP NGƯỜI BỆNH LAO KHỚP HÁNG TÁI HÒA NHẬP CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG
Lao khớp háng cho đến nay vẫn còn là bệnh lý khó chẩn đoán và điều trị. Bệnh lao khớp háng có thể bị chẩn đoán nhầm với các tổn thương khác tại khớp háng gây chậm trễ trong điều trị làm cho người bệnh phải chịu đau đớn trong thời gian dài và nguy cơ tàn phế suốt đời. Trong những năm gần đây, thay khớp háng cho thấy là phẫu thuật hiệu quả trong điều trị lao khớp háng, giúp người bệnh phục hồi chức năng khớp háng gần như bình thường.
Bệnh viện Phổi Trung ương là tuyến cuối điều trị những trường hợp bệnh lao khớp háng. Khoa Ngoại Tổng hợp, nơi quy tụ những thầy thuốc giỏi, nhiệt huyết đã nghiên cứu và thực hiện thành công thay khớp háng điều trị lao khớp háng từ năm 2016. Từ đó đến nay, hàng trăm người bệnh lao khớp háng đã được thay khớp háng để được trở lại đi trên chính đôi chân của mình.
Bài viết này nhằm giới thiệu về triệu chứng bệnh lao khớp háng và phẫu thuật thay khớp háng tại bệnh viện Phổi Trung ương
- Triệu chứng lâm sàng lao khớp háng
1.1. Triệu chứng toàn thân
Người bệnh biểu hiện hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc mạn tính: gày sút cân, sốt nhẹ về chiều, da xanh, niêm mạc nhợt, ăn kém. Có thể gặp kèm theo lao tại các cơ quan khác: phổi, tiêu hóa, tiết niệu, các khớp khác... Đặc biệt, do người bệnh nằm lâu kèm theo cơ thể suy yếu có thể gây nhiễm khuẩn ngoài lao tại các cơ quan khác như phổi, tiết niệu, máu…
1.2. Triệu chứng tại khớp.
- Đau tại khớp háng: mặc dù đa số bệnh nhân có cảm giác đau tại khớp háng (88%), người bệnh có thể cảm giác đau cạnh khớp, đau vùng đùi hoặc đau khớp gối theo đường đi của thần kinh bịt. Bệnh nhân với bệnh lý trong khớp háng có thể có dấu hiệu “bàn tay chữ C”10
Khi bệnh nhân có đau tại khớp háng sẽ có dáng đi chống đau, yếu cơ dạng đùi tạo nên dáng đi “Trendelenburg”, bệnh nhân khó khăn khi chống chân bệnh xuống đất, cánh chậu bên bệnh bị lệch thấp so với bên lành. Thay đổi góc ngả trước cổ xương đùi cũng làm thay đổi bước đi. Khám khớp háng được thực hiện ở tư thế đứng và nằm ngửa sau khi quan sát, cảm nhận dáng đi10.
- Các nghiệm pháp chẩn đoán bệnh lý trong khớp háng bao gồm nghiệm pháp Stinchfield: bệnh nhân nằm ngửa, háng gấp 200- 300, thầy thuốc dùng tay chống lại lực gấp của bệnh nhân, nếu bệnh nhân đau là nghiệm pháp (+) chứng tỏ đau tại khớp háng. Nghiệm pháp “xoay chân”: bệnh nhân nằm ngửa, thầy thuốc dùng tay xoay chân của bệnh nhân, nếu bệnh nhân đau là nghiệm pháp (+); nghiệm pháp “dồn lực gót chân”: bệnh nhân nằm ngửa, thầy thuốc dùng lòng bàn tay tác động lực vào gót chân bệnh nhân, nếu bệnh nhân đau là nghiệm pháp (+)10.
- Các nghiệm pháp chẩn đoán phân biệt đau tại khớp háng bao gồm: nghiệm pháp “gấp-dạng đùi” và nghiệm pháp “xoay ngoài đùi” chẩn đoán viêm khớp cùng chậu hoặc kẹt khớp phía sau. Nghiệm pháp “gấp-dạng đùi” và “xoay trong đùi” chẩn đoán kẹt khớp phía trước hoặc hội chứng cơ tháp. Nghiệm pháp Ober: bệnh nhân nằm nghiêng, chân bệnh ở phía trên, thầy thuốc dùng 1 tay cố định vào xương chậu và mấu chuyển lớn người bệnh, tay còn lại cầm cẳng chân người bệnh duỗi và dạng đùi, sau đó khép đùi và xoay trong. Nếu người bệnh không thể xoay trong và gấp là nghiệm pháp (+), chứng tỏ có viêm, căng cơ bán gân và dải chậu chày. Nghiệm pháp Thomas: bệnh nhân nằm ngửa trên bàn, 2 đùi gấp tối đa, sau đó đưa chân bên bệnh từ từ duỗi ra, nếu không duỗi được là nghiệm pháp (+) chứng tỏ có căng cơ thắt lưng-chậu. Các điểm đau khu trú cho phép định khu vị trí viêm bao gân, viêm gân hoặc rách gân.
- Chẩn đoán phân biệt đau tại khớp háng với đau ngoài khớp, đau quanh khớp và đau do phần mềm trong khớp11.
+ Đau ngoài khớp: đau do viêm rễ thần kinh thắt lưng, các vấn đề trong ổ bụng và hệ tiết niệu-sinh dục có thể gây đau tại khớp háng.
+ Đau quanh khớp: viêm bao gân quanh khớp (bao gân mấu chuyển, cơ thắt lưng chậu, cơ ngồi-háng); kẹt khớp ngoài khớp do gai xương, cấu trúc mấu chuyển lớn-xương chậu hoặc do bất thường khối cơ mông; chấn thương cấp có thể gây căng cơ, rách gân gây đau; hội chứng cơ tháp; viêm khớp cùng chậu.
+ Đau do phần mềm trong khớp: rách sụn viền, viêm bao hoạt dịch, rách bao khớp, lỏng bao khớp, bệnh lý dây chằng tròn.
đôi khi người bệnh có cảm giác đau mặt trong khớp gối, đau nhiều nhất vào thời điểm cuối ngày. Nhiều bệnh nhân đau nhiều đến mức trở mình trên giường cũng khó khăn, bệnh nhân phải lấy chân lành đỡ chân bệnh cho đỡ đau.
- Hạn chế vận động khớp: Khớp háng là khớp lồi cầu có tầm vận động rất lớn theo các hướng. Tùy theo từng giai đoạn, hạn chế vận động khớp có thể ở mức độ cơ năng do đau hoặc thực thể do tổn thương cấu trúc khớp.
- Biên độ vận động bình thường của khớp háng: xoay trong: 400; xoay ngoài: 450; gấp: 1250; duỗi: 10-400; dạng: 450; khép: 30
-
Biến dạng khớp háng. Sự thay đổi khớp háng tùy thuộc vào từng giai đoạn lao khớp háng. Ở giai đoạn viêm bao hoạt dịch, khớp háng bên bệnh nề hơn bên lành, chân bên bệnh như dài hơn bên lành do có dịch trong khớp. Giai đoạn viêm khớp, chân bên bệnh ngắn hơn bên lành, khớp háng ở tư thế gấp, khép và xoay trong kèm theo teo cơ đùi. Giai đoạn viêm khớp kèm theo bán trật khớp chi bên bệnh ngắn hơn rõ rệt, khớp háng ở tư thế gấp, khép và xoay trong, có thể có dấu hiệu kẹt khớp, bán trật khớp hoặc trật khớp.
- Áp xe trong và ngoài khớp háng: trong một nghiên cứu của chúng tôi, áp xe khớp háng có ở khoảng 60% các bệnh nhân lao khớp háng giai đoạn III, IV. Lúc đầu áp xe khu trú bên trong khớp gây viêm tiến triển khớp háng, bệnh nhân rất đau do viêm và tăng áp lực nội khớp. Sau đó áp xe có thể lây lan ra xung quanh như mặt trước, mặt ngoài, mặt sau đùi, tam giác đùi, hố ngồi trực tràng gây viêm gân cơ quanh khớp háng, dính phần mềm quanh khớp háng. Cuối cùng áp xe có thể rò ra ngoài da tạo đường rò mạn tính.
- Bán trật khớp hoặc trật khớp háng: trong lao khớp háng giai đoạn IV, tổn thương lao phá hủy nặng cấu trúc xương khớp gây bán trật khớp hoặc trật khớp. Chỏm xương đùi bị trật ra trước, lên trên do tổn thương trần ổ cối hoặc trật trung tâm do thủng bờ trong ổ cối. triệu chứng: bệnh nhân rất đau, đau cả khi nghỉ ngơi, chân bệnh ngắn hơn chân lành, hạn chế biên độ vận động khớp háng, kẹt khớp háng.
Áp xe vùng khớp háng khi chưa tạo đường rò ra ngoài có thể thấy khớp háng bên bệnh nề hơn, bề mặt da phía trước căng do có áp xe phía dưới. Sờ nắn có thể thấy khối áp xe lạnh căng, mềm ở vùng tam giác đùi hoặc cạnh hố ngồi-trực tràng.
Áp xe lan ra xung quanh khớp háng có thể gây viêm và tổn thương các cơ xung quanh khớp tạo nên các triệu chứng đặc hiệu. Áp xe cơ thắt lưng chậu, cơ thẳng đùi làm bệnh nhân phải gấp khớp háng để chống đau, lâu ngày khớp háng sẽ bị cứng ở tư thế gấp. Áp xe cơ mông nhỡ, mông bé gây yếu khối cơ này làm mất vững khớp háng, áp xe cơ căng mạc đùi gây đau phía ngoài khớp háng, đau tăng khi vận động hoặc đau phía ngoài khớp gối nếu viêm đến đầu xa cơ căng mạc đùi.
- Phẫu thuật thay khớp háng điều trị lao khớp háng.
- Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo được thực hiện từ đầu thế kỷ XX và phát triển rực rỡ từ những năm 1970. Tuy nhiên, đến tận những năm đầu của thế kỉ XXI các tác giả vẫn e dè khi thực hiện thay khớp háng điều trị lao khớp háng. Tác giả Babhukar ( Ấn Độ) vào năm 2004 nêu ý kiến chỉ nên thay khớp háng sau khi điều trị lao khớp háng giai đoạn hoạt động ít nhất 10 năm. Sau đó một số tác giả khác nhận thấy, thay khớp háng ở giai đoạn di chứng rất khó khăn do cấu trúc giải phẫu khớp háng bị thay đổi, đồng thời, người bệnh phải chịu đựng đau đớn và mất chức năng khớp trong thời gian tương đối dài. Vì vậy, các tác giả khác như Wang (Trung Quốc, 2014), Li (Trung Quốc, 2016) đã nghiên cứu và thực hiện thành công phẫu thuật lao khớp háng ngay trong giai đoạn lao khớp đang hoạt động. Kết quả này là động lực giúp các tác giả khác tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng thành cống thay khớp háng điều trị lao khớp háng.
- Các tác giả e ngại thay khớp háng trong lao khớp háng bởi các vấn đề sau:
+ Sự tái hoạt động của trực khuẩn lao sau khi thay khớp háng.
+ Chức năng khớp háng phục hồi kém sau thay khớp háng.
+ Sự nhiễm trùng các vi khuẩn khác sau khi thay khớp háng nhân tạo.
+ Sự phá hủy xương khớp háng nặng nề làm cho kết quả thay khớp háng không được như mong muốn.
- Tại bệnh viện Phổi Trung ương, chúng tôi đã nghiên cứu và khắc phục các vấn đề trên bằng một chiến thuật điều trị hợp lý, hiệu quả. Cùng với đó là các thiết kế khớp đặc biệt của Pháp, Đức, Trung Quốc… dành riêng cho người bệnh lao khớp háng để đạt được hiệu quả tối đa sau khi thay khớp háng.
Một số hình ảnh
HÌnh 1: XQ sau thay khớp háng
Hình 2: Khuôn mặt rạng rỡ của 2 vợ chồng sau khi người chống được thay khớp háng điều trị lao khớp háng
Hình 3: Người bệnh lao khớp háng được thay khớp đến khám lại sau 5 năm