CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH PHỔI KẼ THỞ OXY TẠI NHÀ
Bệnh phổi kẽ là nhóm bệnh lý liên quan đến tổn thương các tổ chức kẽ của phổi, gây ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của phổi cũng như hấp thụ oxy vào máu. Phát hiện bệnh sớm và điều trị tốt giúp tránh nguy cơ gây suy giảm chức năng hô hấp. Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bệnh phổi kẽ là do các tác nhân virus, nấm, vi khuẩn. Thông thường, với tổn thương phổi, cơ quan này sẽ tự sản xuất lượng mô lành đủ để bù đắp vào tổn thương. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh phổi kẽ, các mô tổn thương không được phục hồi bằng mô mới mà có xu hướng sẹo hóa, dày lên. Điều này gây cản trở cho quá trình trao đổi oxy và đưa oxy vào máu. Trong một số trường hợp, các bác sỹ áp dụng liệu pháp oxy điều trị viêm phổi kẽ mang đến cho người bệnh nhiều lợi ích như hỗ trợ chức năng thở của người bệnh viêm phổi kẽ hoạt động thuận lợi, dễ dàng hơn, góp phần cải thiện nồng độ oxy có trong máu của người bệnh phổi mô kẽ để làm giảm hoặc ngăn chặn những biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm, hỗ trợ người bệnh viêm phổi kẽ cải thiện chỉ số huyết áp, giúp người bệnh cải thiện chất lượng giấc ngủ,..
Tiếp nối thành công của buổi sinh hoạt chuyên đề tháng 8/2024 dành cho người bệnh và người nhà người bệnh, vừa qua ngày 25/9/2024, Trung tâm Điều trị bệnh phổi hiếm và các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương tiếp tục tổ chức sinh hoạt chuyên đề lần thứ 4 với chủ đề “Chăm sóc người bệnh phổi kẽ thở oxy tại nhà” đã thu hút hơn 60người bệnh và người nhà người bệnh tham gia trực tiếp và online qua nền tảng zoom.
Buổi sinh hoạt diễn ra với sự chia sẻ rất cặn kẽ, dễ hiểu của ĐĐCKI Nguyễn Thị Trang, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Điều trị bệnh phổi hiếm và các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp. Bác sỹ, điều dưỡng đã trực tiếp chia sẻ, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho nhiều người bệnh và người nhà về những kinh nghiệm trong chăm sóc người bệnh phổi kẽ thở oxy tại nhà, các cách hướng dẫn thuận tiện cho việc theo dõi và thở oxy kịp thời khi bị khó thở cũng như cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ thở oxy tại nhà.
Thông qua buổi sinh hoạt, người bệnh và người nhà người bệnh đã hiểu được tầm quan trọng của việc cần phải tỉ mỉ theo dõi tiến triển bệnh, cần theo dõi triệu chứng khó thở liên quan đến khả năng gắng sức, theo dõi nồng độ oxy trong máu tại nhà, các lưu ý khi sử dụng bình oxy và các thiết bị kèm theo,… Buổi sinh hoạt được diễn ra sổi nổi trong hơn 1 giờ, người bệnh và người nhà người bệnh cũng đã được trao đổi, giải đáp những thắc mắc cũng như được nhân viên y tế trực tiếp hướng dẫn cách theo dõi tiến triển bệnh.