NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH PHỔI VÀ KIỂM SOÁT LAO MANG LẠI NHIỀU LỢI ÍCH CHO NGƯỜI BỆNH
Hội nghị "Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bệnh phổi và kiểm soát lao" diễn ra trong 2 ngày 23-24/5 tại Hà Nội do Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu từ Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, GS. AHLĐ. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khoá XIV, XV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam; GS. Punnarerk Thongcharoen - Chủ tịch Hội Lồng ngực châu Á Thái Bình Dương; GS.TS. Trịnh Ngọc Bình, Đại học California, San Francisco, Hoa Kỳ (UCSF), đại diện các trường đại học, đơn vị nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và các y bác sĩ chuyên ngành lao và bệnh phổi từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phụ trách điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia TS.BSCC Đinh Văn Lượng cho biết: "Trong Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23/01/2024, công tác nghiên cứu khoa học cũng là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp vào thành công của công tác chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam."
Cho đến nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thường quy được hầu hết các kỹ thuật cao cả về nội hô hấp và phẫu thuật lồng ngực.
TS.BSCC Đinh Văn Lượng nhấn mạnh: "Bệnh viện đã thực hiện đề án ghép phổi, là một bước chinh phục đỉnh cao về chuyên môn, mở ra cơ hội sống thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người bệnh giai đoạn muộn không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Đây là những ca ghép phổi được đánh giá là thành công toàn diện nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, là minh chứng cho thấy việc ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khoẻ sẽ mang lại những thành tựu và lợi ích to lớn cho người dân Việt Nam".
GS.TS. Trịnh Ngọc Bình, Đại học California, San Francisco, Hoa Kỳ (UCSF) là một trong những người hỗ trợ các chuyên gia của BV Phổi Trung ương trong quá trình chuyển giao kỹ thuật ghép phổi cho Việt Nam cho biết, ghép phổi là một kỹ thuật khó, phức tạp với chi phí rất lớn. Nên để thực hiện ghép phổi tại Việt Nam, người bệnh cần có sự chuẩn bị từ trước, trong và sau ghép phổi.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS.BSCC Đinh Văn Lượng cho hay, tại Bệnh viện Phổi Trung ương thường có từ 20-40 trường hợp chờ được ghép phổi. Thời gian qua, có những ca ghép phổi vô cùng thành công, bệnh nhân sống được 4 năm sau ghép phổi rất khỏe mạnh. Đến nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã làm chủ được quy trình ghép phổi, nhưng nguồn tạng hiến vô cùng khan hiếm do các nguyên nhân từ nhận thức hay quan niệm của người dân….
Trước Hội nghị có 04 lớp học tiền Hội nghị được tổ chức học trực tuyến qua phần mềm Zoom với 17 chuyên đề cùng 538 đầu cầu tham gia đào tạo và được cấp chứng chỉ. (CME1 Tiếp cận chẩn đoán viêm phổi kẽ: 75 đầu cầu; CME2 Chẩn đoán điều trị ngừng thở khi ngủ: 49 đầu cầu; CME3 Chẩn đoán và điều trị nấm Aspergillus: 57 đầu cầu; CME4 Những tiến bộ trong chăm sóc người bệnh Phổi và Lao: 227 đầu cầu).
Hội nghị diễn ra với 1 phiên toàn thể gồm 5 chủ đề, 4 phiên chuyên đề với 33 báo cáo viên, 19 nhà khoa học chủ toạ, 35 nhà khoa học là hội đồng khoa học, 447 đại biểu trực tuyến và trực tiếp, 16 nhà tài trợ. Ngoài ra, 50 bài báo cáo khoa học cũng nhận được nhiều sự quan tâm và đánh giá cao trong Tạp chí số chuyên đề.
Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Quý vị khách quý, Quý đại biểu từ các cơ quan Bộ/Ban/Ngành/Đoàn thể Trung ương và địa phương, đối tác trong nước, quốc tế, các đơn vị tài trợ, cùng Quý đồng nghiệp gần xa, các cơ quan thông tấn, báo chí đã tham dự và đóng góp vào sự thành công của sự kiện này. Rất mong nhận được sự đồng hành tích cực của Quý vị trong các sự kiện tiếp theo.
Dưới đây là những hình ảnh đẹp trong Hội nghị:
Phòng CTXH&TT