GIỚI THIỆU PHÒNG CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH
1. GIỚI THIỆU CHUNG
- Tên đơn vị: PHÒNG CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH
- Phòng Chỉ đạo Chương trình là phòng nghiệp vụ, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về toàn bộ công tác tham mưu, giúp việc trên các lĩnh vực Phát triển kế hoạch phòng chống lao và bệnh phổi trong phạm vi toàn quốc; Triển khai, quản lý, điều phối các nguồn tài chính của các Dự án một cách hiệu quả và đúng quy định của nhà nước, Bộ Y tế và nhà tài trợ.
2. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ CÁC THÀNH TÍCH NỔI BẬT
-Phòng Chỉ đạo Chương trình là phòng nghiệp vụ được thành lập theo Quyết định số 245/QĐ-BVPTƯ ngày 26/5/2010 về việc thành lập Phòng Chỉ đạo Chương trình, tiền thân từ phòng Chỉ đạo tuyến. Lịch sử phát triển của Phòng gắn liền với lịch sử phát triển của Bệnh viện Phổi Trung ương. Trải qua các thời kỳ, Phòng chỉ đạo Chương trình đã nhiều lần mang những tên khác nhau như Đixpăngxe; Phòng Dịch tễ - Thống kê – Kế hoạch; Phòng chỉ đạo chuyên khoa; Phòng Chỉ đạo tuyến.
- Thời kỳ trước năm 1975: Viện Chống Lao được thành lập ngày 24/6/1957, lúc này Viện có hai bộ phận là nội trú và ngoại viện. Bộ phận công tác ngoại Viện là tiền thân của Phòng Chỉ đạo Chương trình sau này, với tên ban đầu là Phòng Đích păng xe do Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Đình Hường phụ trách.
- Năm 1975, khi đất nước thống nhất, trọng tâm công tác chống lao trong cả nước giai đoạn này là củng cố cơ sở phía Bắc và xây dựng mạng lưới các tỉnh phía Nam.
- Thời kỳ từ 1976 – 2010, Phòng có các tên là Phòng Chỉ đạo chuyên khoa và sau đó đổi tên thành Phòng Chỉ đạo tuyến. Trưởng phòng thời kỳ này gồm có BS. Nguyễn Văn Hân; BS. Đỗ Hứa; BS CKII. Hồ Sỹ Dưỡng; PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung; TS.BS Trịnh Minh Hoan. Công tác Chống lao được lồng ghép vào hệ thống y tế chung và đường lối này được triển khai cho đến ngày nay.
- Năm 1986, GS Nguyễn Đình Hường đề xuất Chương trình Chống Lao “mới’ còn gọi là Chương trình Chống Lao cấp II, phù hợp với yêu cầu mới cũng như đường lối chống lao chung trên thế giới. Chương trình “mới” có 4 điểm chủ yếu sau đây: (1) Phòng lao bằng BCG sống, đông khô cho mọi trẻ sơ sinh, không tái chủng, do Chương trình Tiêm chủng mở rộng phụ trách; (2) Phát hiện và điều trị những trường hợp lao có vi khuẩn qua soi đờm trực tiếp; (3) Điều trị bằng thuốc hoá học, theo các phác đồ thống nhất, chủ yếu điều trị ngoại trú; (4) Hoạt động chống lao lồng ghép trong y tế chung ở cơ sở. Đó là một điều kiện “tiên quyết”, từng bước củng cố mạng lưới y tế chung, lồng ghép hoạt động chống lao vào y tế ở cơ sở.
- Sau hơn 10 năm, Chương trình đã được triển khai rộng rãi tại hầu hết các tỉnh trong cả nước. Hoạt động Chỉ đạo tuyến về công tác chống lao được triển khai mạnh mẽ nhất của Bệnh viện trong thời kỳ 10 năm này, đã đạt được những kết quả rất đáng kể cho Chương trình Chống lao. Tuy nhiên, sự lan tràn của dịch HIV, vấn đề vi khuẩn lao kháng thuốc, hoạt động của hệ thống y tế tư nhân...là những vấn đề cần được quan tâm.
- Kế hoạch chiến lược phòng, chống lao giai đoạn 2007 – 2011 được xây dựng trong bối cảnh công tác phòng chống lao trở thành một ưu tiên của Chiến lược tăng trưởng và giảm nghèo đói toàn diện và các mục tiêu thiên niên kỷ quốc gia của Việt nam. Nội dung chính của Kế hoạch chiến lược phòng, chống lao giai đoạn này tập trung vào việc triển khai chiến lược DOTS.
- Cùng với kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam, Kế hoạch chiến lược phòng, chống lao giai đoạn 2007 – 2011 cũng được hỗ trợ từ Chính phủ Hà Lan, Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Dự án Life-Gap, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Hiệp hội chống lao Hoàng gia Hà Lan (KNCV), Ủy ban Hợp tác Y tế Việt nam Hà Lan (MCNV) và Hiệp hội bài lao và bệnh phổi quốc tế (UNION).
- Năm 2010, Phòng được đổi tên là Phòng Chỉ đạo Chương trình cho đến nay. Trưởng phòng thời kỳ này gồm có TS.BS. Trịnh Minh Hoan (2008-2015), sau đó là TS.BS. Nguyễn Đình Tuấn (2016 – nay).
- Trong những năm từ 2011 - nay, công tác chống lao đã đạt được những thành tựu vượt bậc như: Sự ủng hộ và cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ và Bộ Y tế. Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố, hiện nay có 49/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi/BV Lao và Bệnh phổi. Các hoạt động phát triển mạng lưới phối hợp mở rộng với nhiều đối tác như: Bộ Công an; Cục Phòng, chống HIV/AIDS; các tổ chức như WHO; KNCV; CDC Việt Nam; USAID, FIT, FHI, PATH; URC; CHAI…; Các bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tuyến tỉnh và nhiều đối tác khác đã tham gia vào công tác chống lao.
- Công tác phát hiện bệnh lao được áp dụng nhiều mô hình để người dân dễ tiếp cận với các dịch vụ phòng chống lao có chất lượng như: Phối hợp y tế công-tư phòng chống lao; Thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp, kiểm soát bệnh lao trong trại giam; nhóm người nhiễm HIV;... Áp dụng những công nghệ tiến tiến mới, hiện đại vào chẩn đoán phát hiện lao như máy Gene Expert. Công tác quản lý điều trị cho người bệnh lao được triển khai đồng bộ và hiệu quả theo chiến lược “Điều trị có giám sát trực tiếp - DOTS”. Kiểm soát bệnh lao kháng đa thuốc được tăng cường, triển khai thường quy tại 63 tỉnh, thành phố.
- Giai đoạn này đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống ghi chép báo cáo ca bệnh, nhờ có hệ thống quản lý thông tin điện tử Vitimes nên Chương trình có thể giám sát tốt tình hình dịch tễ bệnh lao cũng như đưa ra những quyết sách cho việc kiểm soát bệnh lao một cách kịp thời. Ngoài ra, Chương trình đã thực hiện tốt giải pháp về chính sách pháp luật, tham mưu cho Bộ Y tế xây dựng và ban hành Hướng dẫn chẩn đoán điều trị và dự phòng bệnh Lao.
- Năm 2013, Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 tầm nhìn 2030 được xây dựng và được Chính phủ phê duyệt ngày 17/03/2014. Đây là dấu mốc quan trọng và là tiền đề cho việc vận động tài trợ quốc tế một cách toàn diện cho hoạt động phòng chống lao các năm tiếp theo cũng như sự cam kết chính trị mạnh mẽ cho công tác chống lao từ trung ương tới địa phương.
- Giai đoạn này Chương trình Chống lao đã có rất nhiều hoạt động nổi bật như xây dựng thành công Đề án can thiệp tích cực hoạt động phòng, chống lao khu vực Tây Nam Bộ giai đoạn 2017 – 2020. Tham mưu cho Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 04/2016/TT-BYT Quy định về khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao. Năm 2015, tổ chức thành công Hội thi duyên dáng ngành Lao trên phạm vi toàn quốc. Năm 2018, tổ chức thành công ngày hội “Chuyển động vì lá phổi khỏe” với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; nhiều đối tác các bệnh viện; đơn vị, doanh nghiệp, nhà tài trợ; cơ quan thông tấn, báo chí. Năm 2019, tổ chức thành công Cuộc thi sáng tác “Cùng hành động để làm nên lịch sử chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam”
- Tháng 12/2019, Ủy Ban Quốc Gia Về Chấm Dứt Bệnh Lao được thành lập là dấu mốc quan trọng cho CTCLQG Việt Nam. Quỹ PASTB nhằm giúp đỡ người bị bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn đã được thành lập cùng Tổ chức các đối tác Phòng chống lao đã phát huy vai trò và hiệu quả trong huy động xã hội cho công tác phòng chống lao.
- Những thành tựu mà Chương trình đã đạt được cho đến thời điểm này không thể không kể đến những đóng góp hết sức quan trọng từ các đối tác quốc tế như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chính phủ Hà Lan thông qua Đại sứ quán Hà Lan, Hội chống lao Hoàng gia Hà Lan (KNCV), Quỹ toàn cầu, Hiệp hội Bài lao và bệnh phổi quốc tế (IUATLD), Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV), Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), Hội chống lao Đài Loan. Nhiều đoàn chuyên gia sang làm việc và hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình về lập kế hoạch, quản lý Chương trình, kiểm tra giám sát, quản lý thuốc chống lao, nghiên cứu, xét nghiệm, cung ứng phân phối trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc như: Đoàn chuyên gia của CDC, KNCV, WHO, USAID, MSH, Hội phổi Pháp Việt, Woolcock…
- Năm 2020-2022, mặc dù khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, cán bộ của phòng vẫn chủ động tích cực triển khai các hoạt động phát hiện chủ động bệnh lao ở cộng đồng, nhóm dân cư có nguy cơ cao mắc lao và điều trị bệnh lao tiềm ẩn, đẩy mạnh triển khai hoạt động PPM trên 63 tỉnh/ thành phố, hoạt động sàng lọc lao ở trại giam và nhóm người nghiện Ma túy uống Methadol ngoài cộng đồng. Triển khai xét nghiệm HIV cho bệnh nhân lao và duy trì phòng PITC/ 63 tỉnh có gánh năng về HIV... Trong thời gian tới, Phòng sẽ tập trung hỗ trợ địa phương về công tác tổ chức, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc Chuyển đổi thanh toán thuốc lao nguồn BHYT. Tăng cường các hoạt động giám sát, hoạt động phát hiện lao chủ động và phát hiện lao thường quy để bù đắp chỉ tiêu do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
- Trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển với bao thăng trầm, thách thức, kế thừa truyền thống của cha anh qua các thế hệ, tập thể cán bộ Phòng Chỉ đạo Chương trình đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt sứ mệnh thanh toán bệnh lao và chăm sóc nâng cao sức khỏe phổi cho người dân.
- Các hình thức khen thưởng của Phòng: Huân chương lao động hạng II (2017) và hạng III (2010); Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2006; Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch của Bộ Y tế năm 2017; Giải thưởng vì sự nghiệp phòng chống lao của Hội chống lao Hoàng Gia Hà Lan (KNCV) năm 2003; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho công tác PCL các năm 2007, 2010, 2012, 2014, 2015, 2016, 2019, 2020; Tập thể lao động xuất sắc từ năm 2010 – 2022 và nhiều giấy khen của Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương.
3. CƠ CẤU NHÂN SỰ
3.1. Ban lãnh đạo
3.2. Cơ cấu tổ chức
- Phòng Chỉ đạo Chương trình được cơ cấu tổ chức gồm 4 đơn vị là:
(1) Đơn vị Kế hoạch chiến lược hậu cần
(2) Đơn vị Kỹ thuật
(3) Đơn vị Giám sát đánh giá
(4) Đơn vị Hành chính đối ngoại
- Nhân sự của Phòng gồm 32 viên chức và người lao động và hiện nay có thêm 4 người của đối tác (FHI) đang làm việc tại phòng để hỗ trợ cho các hoạt động của CTCLQG.
- Số lượng CBVC sau đại học có 19 người trong đó gồm: 01 PGS.TS.BS; 03 Tiến sĩ/BS/CN; 5 Thạc sĩ/bác sỹ/BSCK1, 9 Thạc sĩ/cử nhân.
4. CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
4.1. Chức năng
Phòng Chỉ đạo Chương trình với chức năng tham mưu, giúp việc cho giám đốc về các lĩnh vực Phát triển kế hoạch phòng chống lao trên phạm vi toàn quốc; Triển khai, quản lý, điều phối các nguồn tài chính các Dự án một cách hiệu quả, đúng quy định của nhà nước, Bộ Y tế và nhà tài trợ (theo Quyết định số 245/QĐ-BVPTƯ ngày 26/5/2010 về việc thành lập Phòng Chỉ đạo Chương trình)
4.2. Nhiệm vụ:
- Chuẩn bị các cơ sở dữ liệu để xây dựng chiến lược và kế hoạch ngắn hạn, trung hạn về toàn bộ các hoạt động Chương trình, dự án Phòng, chống bệnh lao;
- Xây dựng kế hoạch Dự án phòng chống bệnh lao trình Bộ Y tế phê duyệt - Chuẩn bị và xây dựng các văn kiện dự án hợp tác với nước ngoài - Định kỳ tiến hành đánh giá, giám sát việc triển khai các kế hoạch của các địa phương và đối tác.
- Báo cáo tổng hợp các hoạt động của Dự án phòng, chống bệnh lao cho các nhà tài trợ và cơ quan Chính phủ, Bộ Y tế.
- Duy trì các mối quan hệ với các đối tác nước ngoài và Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan chuyên môn liên quan khác cũng như các đối tác nước ngoài.
- Liên hệ với các Bộ Ngành liên quan (Bộ Y tế, Bộ Tài chính…) về các vấn đề liên quan đến tài chính của Dự án Phòng, chống bệnh lao.
- Hướng dẫn quản lý chi tiêu tài chính cho các địa phương. Quản lý theo dõi đôn đốc giám sát các địa phương sử dụng nguồn tài chính của Dự án Phòng, chống bệnh lao và hoàn thành các báo cáo tài chính kịp thời.
- Thực hiện công tác kế toán và kiểm toán theo đúng quy định về chế độ tài chính của Chính phủ và các nhà tài trợ.
- Thiết lập, duy trì, bảo mật, cập nhật và sử dụng đúng quy định các báo cáo, tư liệu, dữ liệu điện tử của Dự án Phòng, chống bệnh lao.
- Phối hợp với bộ phận Hành chính theo dõi các đoàn quốc tế đến làm việc, học tập, tham quan với bệnh viện và Dự án Phòng, chống bệnh lao.
4.3. Định hướng phát triển
- Dịch tễ lao ở Việt nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới. Tác động của dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đối với công tác phòng chống lao đặc biệt là nhân sự làm công tác chống lao ở tuyến y tế cơ sở vừa thiếu vừa yếu, thường xuyên bị luân chuyển đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cống tác chống lao. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ chế miễn phí thuốc chống lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang thanh toán bằng nguồn Bảo hiểm Y tế đã gây gặp khó khăn cho nhiều địa phương. Vấn đề tự chủ về tài chính tại các tuyến có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động Chương trình chống lao, nhiều Bệnh viện chuyên khoa lao gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải nợ lương cán bộ, do đó công tác giám sát hoạt động Chương trình chống lao gặp rất nhiều khó khăn. Sự thay đổi mô hình tổ chức y tế tại tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới Chương trình chống lao như thay đổi cán bộ làm công tác chống lao, đơn vị mới chưa ổn định nên việc triển khai hoạt động Chương trình chống lao gặp khó khăn, tâm lý cán bộ làm công tác chống lao không ổn định…Đối với các tỉnh không có bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi thì công tác chống lao còn khó khăn do sát nhập vào Trung tâm kiểm soát bệnh tật nên cán bộ làm công tác chống lao bị thiếu hoặc không đủ để triển khai các hoạt động.
- Trong thời gian tới, phòng Chỉ đạo Chương trình tiếp tục tham mưu tốt cho giám đốc trong việc xây dựng Kế hoạch, hỗ trợ cho các địa phương triển khai các hoạt động phòng chống lao để duy trì và tăng tỷ lệ phát hiện các trường hợp mắc lao ở trong cộng đồng, duy trì tốt kết quả điều trị thành công trên 90% cho số bệnh nhân lao đã được phát hiện. Triển khai kiểm soát tốt bệnh lao kháng đa thuốc. Xây dựng đề xuất viện trợ Quỹ Toàn Cầu cho giai đoạn mới 2024-2026 để đảm bảo kinh phí triển khai các hoạt động phòng chống lao trên toàn quốc. Ngoài ra tiếp tục vận động, đề xuất các nguồn ngân sách trong nước và viện trợ quốc tế khác để tăng cường triển khai các tiếp cận, sáng kiến mới, nghiên cứu thí điểm thuốc mới, phác đồ mới trong công tác phòng chống lao.
- Tiếp tục hỗ trợ việc kiện toàn điều kiện thanh toán khám bệnh, chữa bệnh lao BHYT tại các tỉnh trên toàn quốc; Tập trung chỉ đạo triển khai các hoạt động lao trẻ em và hoạt động ARI. Phối hợp với Cục Phòng chống HIV xây dựng các văn bản hướng dẫn về lồng ghép giữa 2 chương trình giai đoạn 2021 – 2025. Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh lao và Hướng dẫn quản lý lao tiềm ẩn, hệ thống sổ sách, ghi chép, báo cáo mới theo khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới. Tích cực thúc đẩy triển khai các hoạt động quản lý lao trong trại giam và khu vực khép kín, mở rộng hoạt động PPM/PAL và mô hình PPM/Model 5. Giám sát hỗ trợ kỹ thuật hoạt động phòng chống lao khu vực biên giới. Thúc đẩy triển khai chiến dịch phát hiện lao chủ động. Tăng cường hoạt động phát hiện tích cực bệnh lao trong các nhóm nguy cơ tại các cơ sở y tế (áp dụng chiến lược 2X). Duy trì hoạt động giám sát thường quy từ Trung ương xuống tỉnh để góp phần duy trì và củng cố hoạt động mạng lưới chống lao. Tăng cường các hoạt động vận động, truyền thông, huy động xã hội để đảm bảo các nguồn lực và vận động cộng đồng tham gia công tác phòng chống lao. Đảm bảo các hoạt động về cập nhật dữ liệu trên hệ thống Vitimes, hỗ trợ kỹ thuật từ xa cho các địa phương, hoàn thiện hệ thống Vitimes mới.
5. CÁC HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
5.1 Xây dựng được mạng lưới phòng chống lao lồng ghép vào hệ thống y tế chung từ trung ương đến địa phương với nhiều các đối tác trong ước, quốc tế tham gia.
- Mạng lưới phòng chống lao được xây dựng và củng cố lồng ghép vào hoạt động y tế chung từ tuyến y tế cơ sở từ những năm 1986. Đến nay, mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố, đã có 49/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi/BV Lao và Bệnh phổi. Công tác phòng, chống lao liên tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới, phối hợp với nhiều các đối tác như: Bộ Công an; Cục Phòng, chống HIV/AIDS; các tổ chức như WHO; KNCV; CDC Việt Nam; USAID, FIT, FHI, PATH; URC; CHAI…; Các bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tuyến tỉnh và nhiều đối tác khác đã tham gia vào công tác chống lao.
- Công tác phát hiện bệnh lao được áp dụng nhiều mô hình để người dân dễ tiếp cận với các dịch vụ phòng chống lao có chất lượng như: Phối hợp y tế công-tư phòng chống lao; Thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp, phối hợp tốt với các đối tác trong khám sàng lọc phát hiện lao ở cộng đồng, phối hợp với Tổng cục VIII của Bộ Công an để kiểm soát bệnh lao trong trại giam; Phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS để kiểm soát bệnh lao trong nhóm người nhiễm HIV;... Áp dụng những công nghệ tiến tiến mới, hiện đại vào chẩn đoán phát hiện lao như máy Genexpert có thể chẩn đoán chính xác bệnh lao trong vòng 2 giờ và hỗ trợ xác định vi khuẩn lao kháng thuốc Rifampicin. Công tác chống lao được gắn với hệ thống y tế cơ sở, quản lý điều trị cho người bệnh lao được triển khai đồng bộ tại xã và có hiệu quả theo chiến lược “Điều trị có giám sát trực tiếp - DOTS” với kết quả điều trị khỏi ở mức cao (>90%). Kiểm soát bệnh lao kháng đa thuốc được tăng cường, triển khai thường quy tại 63 tỉnh, thành phố.
- Ngoài vai trò của YTCS trong các hoạt động phát hiện, chẩn đoán và hỗ trợ điều trị bệnh nhân lao thường quy, Cán bộ y tế tuyến huyện, xã tham gia truyền thông tuyên truyền về phát hiện chủ động, kêu gọi người dân tham gia khám sàng lọc lao, lập danh sách người tiếp xúc và các nhóm đối tượng nguy cơ, khám sàng lọc, lấy mẫu đờm xét nghiệm. Huy động các cộng tác viên, cán bộ hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh vận động người dân đi khám sàng lọc lao ….
5.2 Xây dựng và huy động nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác phòng chống lao
- Từ năm 1994-1995, xây dựng và bảo vệ thành công bản kế hoạch 5 năm 1996-2000 bằng nguồn kinh phí World Bank. Đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự công nhận và cam kết của một tổ chức tài chính quốc tế cho Chương trình chống lao Việt Nam. Năm 1993, một kế hoạch hoạt động và đề nghị viện trợ trong 5 năm 1995-2000 cũng được Ủy ban y tế Hà Lan - Việt Nam và Hội chống lao Hoàng Gia Hà Lan (MCNV-KNCV) chấp thuận. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đối tác, Chương trình Chống Lao Việt Nam càng có những cơ sở vững chắc hơn để hoạt động và phát triển.
- Từ năm 2004, Dự án “Phát triển công tác chống lao trong khu vực dân cư có nguy cơ mắc lao cao,vùng sâu, vùng xa và nhóm người nhiễm HIV/AIDS”, gọi tắt là Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao, đã được triển khai. Kế hoạch chiến lược phòng, chống lao giai đoạn 2007 – 2011 được xây dựng trong bối cảnh công tác phòng chống lao trở thành một ưu tiên của Chiến lược tăng trưởng và giảm nghèo đói toàn diện và các mục tiêu thiên niên kỷ quốc gia của Việt nam bằng nguồn ngân sách nhà nước thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ cho công tác chống lao. Nội dung chính của Kế hoạch chiến lược phòng, chống lao giai đoạn này tập trung vào việc triển khai chiến lược DOTS mở rộng với các mục tiêu: (1) Duy trì DOTS chất lượng cao tại các tuyến; (2) Tăng cường năng lực tiếp cận DOTS của nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số; (3) Tăng cường triển khai phối hợp công – tư trong chiến lược DOTS; (4) Triển khai cơ chế phối hợp quản lý đồng nhiễm lao/HIV; (5) Triển khai chiến lược DOTS Plus và (6) Cung cấp dịch vụ chẩn đoán điều trị chất lượng cao cho bệnh nhân lao tại các trại giam và Trung tâm 05/06.
- Cùng với kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam, Kế hoạch chiến lược phòng, chống lao giai đoạn 2007 – 2011 bằng nguồn kinh phí từ Chính phủ Hà Lan, Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Dự án Life-Gap, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Hiệp hội chống lao Hoàng gia Hà Lan (KNCV), Ủy ban Hợp tác Y tế Việt nam Hà Lan (MCNV) và Hiệp hội bài lao và bệnh phổi quốc tế (UNION) cũng được xây dựng và bảo vệ thành công.
- Giai đoạn 2006-2010, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, nguồn viện trợ từ Chính phủ Hà Lan còn có nguồn viện trợ từ dự án Quỹ Toàn cầu với tổng kinh phí khoảng 16 triệu USD, đây là nguồn kinh phí quan trọng đối với Chương trình. Từ 2011 - 2015, liên tục xây dựng và bảo vệ thành công kế hoạch phòng chống lao nguồn ngân sách nhà nước; hàng năm ngân sách được đầu tư tăng dần như năm 2012 là 106 tỷ, năm 2013 là 104,9 tỷ, năm 2014 là 140 tỷ và đến năm 2015 là 151 tỷ.
- Với những kết quả, chỉ tiêu đã đạt được trong triển khai hoạt động phòng chống lao giai đoạn 2011-2015, Quỹ Toàn cầu cam kết tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho Chương trình trong các năm tiếp theo. Ngoài ra, Chương trình cũng thành công trong việc tranh thủ sự ủng hộ từ các nguồn viện trợ quốc tế khác như USAID, CDC, WHO... và các nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ cho công tác phòng, chống lao tại Việt Nam. Từ năm 2011-2015, Phòng chỉ đạo Chương trình đã chủ động tham mưu xây dựng Kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm phòng chống lao. Đặc biệt giai đoạn này đã xây dựng Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 và đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/03/2014. Đây là kế hoạch chiến lược quan trọng để Việt Nam tiến tới cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Đây là dấu mốc quan trọng và là tiền đề cho việc vận động tài trợ quốc tế một cách toàn diện cho hoạt động phòng chống lao các năm tiếp theo cũng như sự cam kết chính trị mạnh mẽ từ trung ương tới địa phương.
- Giai đoạn này Chương trình Chống lao đã có rất nhiều hoạt động nổi bật như xây dựng thành công Đề án can thiệp tích cực hoạt động phòng, chống lao khu vực Tây Nam Bộ giai đoạn 2017-2020. Tham mưu cho Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 04/2016/TT-BYT Quy định về khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao. Điểm nổi bật trong năm 2015 đó là, Chương trình đã tổ chức thành công Hội thi duyên dáng ngành Lao trên phạm vi toàn quốc, đã gây tiếng vang lớn đối với Chương trình và công tác phòng chống lao.
- Năm 2018, tổ chức thành công ngày hội “Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh” với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; nhiều đối tác phòng, chống lao và các bệnh viện; đơn vị, doanh nghiệp, nhà tài trợ; cơ quan thông tấn, báo chí; với gần 1.500 người tham gia.
- Tháng 12/2019, Ủy Ban Quốc Gia Về Chấm Dứt Bệnh Lao được thành lập là dấu mốc quan trọng cho CTCLQG Việt Nam. Cuộc họp đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 09/03/2020 với hiệu quả với cam kết chính trị mạnh mẽ.
- Tổ chức các đối tác Phòng chống lao cùng với Chương trình Chống lao đã phát huy vai trò và hiệu quả trong tháng hành động phòng chống lao, công tác huy động xã hội, với nhiều hình thức: mít tinh diễu hành, truyền thông trên nhiều kênh thông tin (báo đài, phát thanh truyền hình). Phát động và triển khai thành công Sự kiện “It’s time for TB - 1402” nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB nhằm giúp đỡ người bị bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn. Sau 2 tháng phát động, chương trình nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao đã cán đích với 425.304.000 đồng, tương ứng với 23.628 tin nhắn. Đây là một kết quả khả quan cho thấy sự quan tâm của cả cộng đồng tới những người bệnh lao đang được lan tỏa từng ngày.
- Tổ chức thành công Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2019, trao giải Cuộc thi sáng tác về chủ đề “Cùng hành động để làm nên lịch sử chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam”, Sự kiện hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới 07/4/2019 tại Hồ Gươm. Tổ chức thành công Hội nghị tham vấn khung kế hoạch tiến tới thanh toán lao trẻ em ở các nước có gánh nặng bệnh lao cao khu vực Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
- Duy trì và tiếp tục triển khai hệ thống thu thập, quản lý thông tin, báo cáo trên internet từ tuyến tỉnh và mở rộng triển khai ở trên 857 huyện và các điểm tương đương. Công tác phát hiện được tăng cường, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát luôn được duy trì ở mức cao, đạt trên 85%, vượt chỉ tiêu của TCYTTG đề ra. Hoạt động lao kháng đa thuốc được triển khai mở rộng, số tỉnh triển khai lao kháng đa thuốc đạt 63/63 tỉnh/TP.
- Với cam kết chính trị mạnh mẽ từ chính phủ, sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao từ Bộ Y tế, Chương trình đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Đóng góp vào sự thành công của Chương trình là sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ rất nhiều các đối tác quốc tế. Trong năm 2016, Chương trình đã đón 17 đoàn chuyên gia quốc tế sang thăm và làm việc bao gồm Đoàn nghị sĩ Vương quốc Anh và Canada sang thăm và đánh giá các dự án do QTC hỗ trợ tại Việt nam, các đoàn chuyên gia của TCYTTG, KNCV, FIND, Hội Phổi Pháp Việt sang hỗ trợ kỹ thuật về xét nghiệm và triển khai chương trình, chuyên gia CDC, chuyên gia đại học California hỗ trợ các nội dung nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, Chương trình cũng đã tổ chức cho 23 đoàn cán bộ tham gia các hội nghị và khoá đào tạo trong khu vực và quốc tế.
- Năm 2017, trong bối cảnh viện trợ nước ngoài cho Việt Nam trên các lĩnh vực đều bị cắt giảm sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Chương trình đã chủ động, tích cực tăng cường vận động, thu hút và nâng cao hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế. Quỹ Toàn cầu trở thành nhà tài trợ nước ngoài quan trọng nhất cho hoạt động chống lao hiện nay với kinh phí viện trợ khoảng 11-13 triệu USD/năm. Chương trình cũng đã thành công trong việc tranh thủ được sự ủng hộ từ các nguồn viện trợ quốc tế khác như USAID, CDC, Úc, TB REACH… Các bước xây dựng nội dung chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài, đàm phán, ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế tuân thủ những nguyên tắc về việc phù hợp với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của nhà nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị; bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của thỏa thuận quốc tế.
- Giai đoạn này, Chương trình đã tiếp đón và làm việc với nhiều đoàn khách quốc tế, tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn quốc tế về nghiên cứu: đoàn Bộ Y tế Lào; các hội thảo về nghiên cứu V-CAPS, TB Costing, IMPACT; lớp MECOR; các đoàn chuyên gia hỗ trợ Điều tra mắc lao toàn quốc lần thứ hai; tiếp đón và phối hợp hỗ trợ đợt làm việc của Giám đốc Điều hành Quỹ Toàn cầu với lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo Chính phủ.
- Chương trình luôn tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện quan trọng của Bộ Y tế tại các diễn đàn như ASEAN, APEC, Đại hội đồng Y tế Thế giới cũng như tham gia các đoàn tháp tùng lãnh đạo Bộ Y tế tham dự các sự kiện quốc tế tại nước ngoài, trong đó nổi bật trong năm 2017 là Cuộc họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Y tế Thế giới và cuộc họp lần thứ 141 của Ban Chấp hành, Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu về bệnh lao lần thứ nhất của Tổ chức Y tế Thế giới. Nhiều cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật chủ chốt trong các lĩnh vực chuyên môn của Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam đã được bầu/lựa chọn tham gia các nhóm tư vấn kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới như Nhóm Tư vấn Kỹ thuật về Công nghệ Thông tin, Ủy ban Ánh sáng Xanh khu vực (lao kháng thuốc), Sáng kiến Xét nghiệm Toàn cầu; Phân ban Nghiên cứu Điều hành của Hiệp hội Bài lao và Bệnh phổi Quốc tế.
- Đặc biệt năm 2017, phòng tham gia tổ chức Cuộc họp đối thoại chính sách của Nhóm công tác Y tế về “Tăng cường công tác phòng chống lao và lao đa kháng thuốc trong khu vực APEC”, trong chương trình nghị sự chính thức của Cuộc họp các quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM 3) và các cuộc họp liên quan. Đây là lần đầu tiên một cuộc họp đối thoại chính sách về chủ đề bệnh lao trong khuôn khổ APEC được tổ chức tại Việt Nam và đã diễn ra hết sức thành công với sự tham gia của trên 150 đại biểu từ các nền kinh tế APEC, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý và kỹ thuật trong nước và quốc tế, các viện nghiên cứu, khu vực tư nhân và các tổ chức dựa vào cộng đồng. Cuộc họp đã đề xuất các khuyến cáo lên Cuộc họp cấp cao về kinh tế y tế lần thứ 7 của APEC và là tiền đề quan trọng để Việt Nam chuẩn bị cho Hội nghị cấp bộ trưởng toàn cầu lần đầu tiên về bệnh lao do Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức vào tháng 11/2017, cũng như Cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về bệnh lao năm 2018.
- Năm 2018, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước được mở rộng trong các lĩnh vực của công tác phòng chống lao, cả về các hoạt động kỹ thuật, nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và hỗ trợ kỹ thuật phòng chống lao. Tích cực và chủ động vận động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và đạt được những kết quả đáng khích lệ như viện trợ Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2018-2020 trên 47 triệu USD, đặc biệt là đề xuất hợp tác đa quốc gia để cùng giải quyết vấn đề phát hiện, điều trị và lây truyền bệnh lao qua biên giới cũng như các đối tượng di biến. Năm 2018, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) đã được thành lập nhằm hỗ trợ người bệnh lao khó khăn, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phòng chống lao quốc gia.
- Nổi bật trong năm 2019 là sự kiện Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống Lao và phát động xây dựng Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030 vào ngày 23/3/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Hội nghị vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì và phát biểu ý kiến chỉ đạo và hân hạnh được đón nhận sự tham dự đông đủ của trên 400 đại biểu gồm các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Y tế và chương trình chống lao 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; lãnh đạo và đại diện các tổ chức đối tác trong nước và quốc tế; các tổ chức, cá nhân tham gia cuộc thi sáng tác và các cơ quan truyền thông báo chí. Đồng thời sự kiện này còn được chia sẻ trực tuyến với thành phố London, Anh Quốc và thành phố San Francisco, Hoa Kỳ, minh chứng cho ý chí chung toàn cầu về chấm dứt bệnh lao. Sau sự kiện này, Chính phủ đã đặc biệt ưu tiên có những chỉ đạo quyết liệt về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao vào ngày 4/12/2019, thể hiện cam kết chính trị đặc biệt mạnh mẽ cho công tác chống lao.
- Ngoài ra, các hoạt động đối ngoại như đã đón tiếp và làm việc với các đoàn chuyên gia, khách quốc tế đến thăm và làm việc với chương trình như Quỹ Toàn cầu, USAID, KNCV, FIND, CDC, Cepheid, GLC và các đối tác khác. Tháng 5/2019, Chương trình chống lao quốc gia đã hỗ trợ tổ chức đợt làm việc của đoàn đại biểu gồm đại diện Liên minh Nghị sỹ phòng chống lao toàn cầu, các nghị sĩ Hàn Quốc và Liên minh phòng chống lao Hàn Quốc. Chuyến thăm góp phần tăng cường hợp tác nghị viện giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong công tác chống lao và thúc đẩy khả năng hình thành các cơ chế điều phối hợp tác liên nghị viện cấp khu vực như trong khuôn khổ APEC và y tế toàn cầu.
- Tháng 11/2019, Chương trình chống lao quốc gia phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức thành công Hội nghị tham vấn toàn cầu về chấm dứt bệnh lao ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên tại các nước có tỷ lệ mắc bệnh lao cao và các nước ưu tiên trong khu vực Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Cũng trong năm 2019, Chương trình chống lao đã phối hợp hiệu quả với nhiều đối tác quốc tế và trong nước hoàn thiện bản Kế hoạch chiến lược quốc gia phòng chống lao giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở cho các vận động kinh phí trong nước và quốc tế.
- Năm 2020, mặc dù khó khăn về dịch bệnh Covid, nhưng các hoạt động vẫn được triển khai như phát hiện chủ động bệnh lao ở nhóm nguy có cao, nhóm công nhân nhà máy, khám phát hiện bệnh lao tại cộng đồng và điều trị bệnh lao tiềm ẩn. Sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao ở trẻ em tiếp xúc nguồn lây; Tập huấn Quản lý lao trẻ em cho cán bộ chống lao tuyến tỉnh, huyện, xã và các bác sĩ ở các cơ sở y tế không thuộc mạng lưới chống lao. Xây dựng và đẩy mạnh triển khai hoạt động PPM trên 63 tỉnh/ thành phố. Phối hợp với tốt các tổ chức đối tác trong công tác phòng chống lao như FHI, FIT, CDC, Cục Cảnh sát quản lý trại giam (C10) – Bộ Công an để sàng lọc phát hiện lao cho phạm nhân trong 54 trại giam. Sàng lọc bệnh lao cho người nghiện Ma túy uống Methadone ngoài cộng đồng. Triển khai xét nghiệm HIV cho bệnh nhân lao và duy trì phòng PITC/ 63 tỉnh có gánh nặng về HIV. Phát triển nguồn nhân lực về lao/HIV qua đào tạo phối hợp Lao/ HIV cho cán bộ tuyến Tỉnh/huyện. Tiếp tục mở rộng thu dung phác đồ chuẩn ngắn hạn điều trị lao kháng thuốc,...
- Năm 2021, do tác động nặng nề của dịch COVID-19 với quy mô rộng đã tác động và gây ảnh hưởng nặng nề tới công tác chống lao nên các hoạt động chống lao tại cộng đồng bị đình trệ, hoạt động phát hiện trong năm 2021 đã sụt giảm đáng kể so với năm 2020 (giảm khoảng 23%). Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Chương trình Chống lao vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động livestream trực tiếp sự kiện trên fanpage chính thức của CTCLQG và tương tác trực tiếp với người xem, kết nối Zoom eco đến các đơn vị chống lao tuyến tỉnh. Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB. Kết thúc chiến dịch nhắn tin ủng hộ Quỹ, Chương trình đã tiếp nhận được hơn 43 nghìn tin nhắn, tương đương hơn 871 triệu đồng. Trong giai đoạn bùng dịch COVID 19, đã có nhiều bệnh nhân lao đang điều trị nhưng không thể đi nhận thuốc do giãn cách xã hội hoặc bị cách ly tập trung,... Chương trình đã chỉ đạo các tỉnh học tập sáng kiến của nhau như sử dụng Grab để đưa thuốc đến nhà cho bệnh nhân. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2023, số liệu phát hiện của CTCLQG đã có sự cải thiện phục hồi đáng kể.