Khoa Cấp Cứu
1. GIỚI THIỆU CHUNG
- Tên đơn vị: KHOA CẤP CỨU
- Vài nét sơ qua về khoa Cấp cứu:
Khoa Cấp cứu là một khoa lâm sàng của bệnh viện có chức năng tiếp nhận và xử trí mọi trường hợp người bệnh cấp cứu được chuyển tới bệnh viện; là tuyến cuối cùng tiếp nhận và xử trí những người bệnh vượt quá khả năng điều trị từ tuyến dưới chuyển đến. Cùng với sự phát triển của bệnh viện, khoa Cấp cứu ngày càng mở rộng với những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất, đáp ứng nhu cầu chăm sóc người bệnh toàn diện, chất lượng cao.
2. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ CÁC THÀNH TÍCH NỔI BẬT
- Khoa Cấp cứu Bệnh viện Phổi Trung ương được hình thành những ngày đầu thành lập Viện chống lao - năm 1957 (nay là Bệnh viện Phổi Trung ương) với tên gọi ban đầu là Khoa Hồi sức cấp cứu. Đến tháng 5 năm 2010 khoa Cấp cứu được tách ra từ khoa Hồi sức cấp cứu.
- Một số thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển:
● Liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc từ năm 2010 – 2023.
● Bằng khen của Bộ trưởng của Bộ Y tế năm 2007, 2012, 2016, 2018, 2020, 2022.
● Bằng khen của Bộ trưởng của Thủ tướng chính phủ năm 2017, 2023.
3. CƠ CẤU NHÂN SỰ
3.1. Ban lãnh đạo
ThS.BSCKII. Cung Văn Tấn
BSCKI. Nguyễn Văn Trường Phó Trưởng khoa
3.2. Cơ cấu tổ chức
Khoa Cấp cứu gồm 2 bộ phận:
- Phòng khám 24h: Là nơi tiếp đón, khám và phân loại người bệnh, xử trí cấp cứu người bệnh 24/7. Được trang bị 10 giường bệnh, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác khám cấp cứu: Người bệnh được khám, thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, chụp X quang, điện tim và xử trí thuốc cấp cứu ngay tại giường bệnh.
- Khu điều trị bệnh nhân nội trú: được trang bị 25 giường bệnh đa năng cùng hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại nhất hiện nay phục vụ chăm sóc điều trị người bệnh nặng: Hệ thống máy monitor trung tâm theo dõi người bệnh, hệ thống máy thở Benttnet 980, máy siêu âm, máy USCOM, máy hạ thân nhiệt chỉ huy, máy ECMO, máy chụp X quang tại giường bệnh…
4. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
4.1. Chức năng
- Tiếp nhận vào điều trị mọi trường hợp người bệnh cấp cứu được chuyển tới bệnh viện.
- Đánh giá, phân loại tình trạng bệnh và thực hiện các biện pháp cấp cứu thích hợp theo mức độ ưu tiên cấp cứu đến khi người bệnh qua khỏi tình trạng nguy kịch và chuyển người bệnh đến khoa Hồi sức tích cực hoặc một chuyên khoa phù hợp khi điều kiện bệnh nhân cho phép.
- Tổ chức làm việc theo ca đối với điều dưỡng.
- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình, quy chế chuyên môn trong bệnh viện.
- Tổ chức dây chuyền cấp cứu cùng với khoa Hồi sức tích cực hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống cấp cứu tại các khoa trong bệnh viện.
- Nghiên cứu khoa học, tư vấn và tuyên truyền giáo dục về cấp cứu cho cộng đồng.
- Đào tạo và tham gia đào tạo cán bộ; chỉ đạo tuyến về lĩnh vực cấp cứu cho tuyến dưới.
4.2. Nhiệm vụ
- Là tuyến cuối cùng tiếp nhận và xử trí những người bệnh vào cấp cứu hoặc người bệnh vượt quá khả năng điều trị từ tuyến dưới chuyển đến thuộc chuyên ngành Lao và bệnh phổi.
- Phối hợp cùng khoa Hồi sức tích cực trong điều trị người bệnh cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu.
- Phối hợp với các khoa, phòng, trung tâm đào tạo tổ chức đào tạo đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng.
4.3. Định hướng phát triển
- Trên cơ sở đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chất lượng cao và sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện, cùng song hành với sự phát triển chung của Bệnh viện Phổi Trung ương. Khoa Cấp cứu sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa các kỹ thuật Cấp cứu chuyên sâu của chuyên ngành Lao và bệnh phổi, xứng đáng là đơn vị Cấp cứu đầu ngành của các Bệnh viện chuyên ngành trong cả nước và ngang tầm các nước phát triển trên Thế giới.
- Để làm được những điều đó, khoa đã xác định những định hướng cụ thể cho những năm tiếp theo:
● Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại khoa: Cử bác sĩ, điều dưỡng tham gia những lớp học tập chuyên sâu về chuyên ngành Hồi sức cấp cứu tại các trung tâm đào tạo lớn trong nước và các cơ sở y tế tiên tiến trên Thế giới.
● Sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện đại được Bệnh viện trang bị.
● Triển khai thường quy một số kỹ thuật chuyên sâu như: Nội soi phế quản tại giường, PICCO, ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy, lọc máu… Tích cực áp dụng các kỹ thuật mới hiện đại để phục vụ công tác điều trị người bệnh.
● Phối hợp tốt với trung tâm ghép phổi trước, trong và sau ghép phổi.
● Triển khai các nghiên cứu khoa học chuyên ngành .
● Đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật cấp cứu cho tất cả các bệnh viện tuyến dưới.
● Triển khai các hợp tác quốc tế về cấp cứu chuyên ngành.