TRIỂN KHAI HỆ THỐNG KHÁM CHỮA BỆNH THÔNG MINH TẠI BỆNH VIỆN PHỔI TRUNG ƯƠNG
Bệnh viện Phổi Trung ương (sau đây viết tắt là Bệnh viện) là một trong các bệnh viện đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số y tế, đã triển khai thành công Hệ thống khám chữa bệnh thông minh (“bệnh viện thông minh”), lấy người bệnh làm trung tâm, cải cách hành chính, giảm quá tải bệnh viện, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao theo 6 tiêu chí phục vụ nhân dân: “an toàn, minh bạch, thân thiện, dễ tiếp cận, toàn diện và hiện đại”.
Phòng Công nghệ thông tin là phòng chức năng thuộc Bệnh viện có nhiệm vụ tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT và chuyển đổi số y tế trong tất cả lĩnh vực hoạt động của Bệnh viện. Tuy là một trong những đơn vị trẻ nhất, nhưng Phòng CNTT đã nhanh chóng trở thành một đơn vị chức năng quan trọng, là mảnh ghép không thể thiếu cho sự phát triển của Bệnh viện.
Một số hệ thống phần mềm, ứng dụng tiêu biểu trong Hệ thống khám chữa bệnh thông minh đã triển khai thành công tại Bệnh viện:
1. Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS)
Triển khai Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) với nền tảng công nghệ hiện đại; quản lý tổng thể, toàn diện, liên thông và kết nối tất cả quy trình nghiệp vụ, hỗ trợ tối ưu công tác khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện.
2. Hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS)
Triển khai đồng bộ Hệ thống LIS tại các khoa Hoá sinh Miễn dịch, Huyết học Truyền máu, Giải phẫu bệnh, Vi sinh và Labo lao chuẩn quốc gia. Hệ thống LIS đóng vai trò rất quan trọng trong cung cấp dịch vụ cận lâm sàng, hỗ trợ có hiệu quả công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện:
- Quản lý hiệu quả thông tin: Tổ chức và lưu trữ khoa học các thông tin về xét nghiệm (lịch sử người bệnh, mẫu xét nghiệm, các yêu cầu, kết quả); đáp ứng tốt yêu cầu quản lý và khai thác sử dụng dữ liệu.
- Tối ưu hiệu suất: Tự động hóa và tối ưu hoá quy trình xét nghiệm, giảm thiểu tối đa sai sót, tiết kiệm thời gian, trả kết quả nhanh chóng.
- Tích hợp dữ liệu: Tích hợp dữ liệu hình ảnh y khoa với các hệ thống phần mềm, ứng dụng khác (y bạ điện tử, bệnh án điện tử,...).
- Chất lượng và tin cậy: Các kết quả xét nghiệm đảm bảo chất lượng, chính xác và tin cậy cao phục vụ chẩn đoán và điều trị.
3. Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS)
Hệ thống RIS-PACS triển khai cho tất cả hệ thống máy tại các khoa Chẩn đoán hình ảnh, Thăm dò và Phục hồi chức năng, Nội soi chẩn đoán và can thiệp, Khám bệnh đa khoa theo yêu cầu,... Hệ thống quản lý toàn diện, cung cấp đầy đủ, chính xác và nhanh chóng các hình ảnh y khoa phục vụ chẩn đoán và điều trị, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao tại Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về bệnh phổi và bệnh lao:
- Lưu trữ và truy cập hình ảnh y khoa dạng số hoá: Hình ảnh Xquang, siêu âm, cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI), nội soi chuyên khoa (nội soi phế quản,...), nội soi đa khoa (tai mũi họng, tiêu hoá,...).
- Truyền tải hình ảnh phục vụ khám chữa bệnh từ xa: Hỗ trợ chuyên gia y tế truy cập và xem hình ảnh y khoa từ xa phục vụ hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa một cách hiệu quả.
- Tối ưu hiệu suất: Tự động hóa và tối ưu hoá quy trình thực hiện, giảm thiểu tối đa sai sót, tiết kiệm thời gian, trả kết quả nhanh chóng.
- Tích hợp dữ liệu y tế: Tích hợp dữ liệu hình ảnh y khoa với các hệ thống phần mềm, ứng dụng khác (y bạ điện tử, bệnh án điện tử,...).
- Cổng trả kết quả hình ảnh y khoa trực tuyến tại địa chỉ https://pacs.bvptw.vn (hiện tại đang triển khai thí điểm).
4. Ứng dụng Y bạ điện tử
Triển khai thành công ứng dụng Y bạ điện tử (tên ứng dụng: IVIE; cài đặt từ Google play và App store), cung cấp toàn bộ lịch sử khám bệnh, kết quả các lần khám bệnh tại Bệnh viện (bao gồm: thông tin chung, dịch vụ y tế, kết quả cận lâm sàng, kết quả khám bệnh, đơn thuốc, lời dặn của bác sĩ).
Người bệnh có thể sử dụng dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (video call); chủ động đặt lịch khám - rất thuận tiện khi đến khám bệnh tại Bệnh viện; dễ dàng tra cứu kết quả khám bệnh số hoá nếu khám tại bệnh viện khác và bác sĩ cần xem kết quả đã khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương;...
5. Hệ thống lấy số xếp hàng (QMS) và Kios thông tin
Hệ thống QMS kết nối với Hệ thống HIS hỗ trợ tối ưu người bệnh khám bệnh tại Bệnh viện, tối ưu trải nghiệm, tăng sự hài lòng của người bệnh:
- Giảm thời gian chờ đợi: Người bệnh đăng ký và nhận số thứ tự tự động, được tiếp đón, khám bệnh và thực hiện các thủ tục khác (đóng tiền, chờ lấy mẫu xét nghiệm, chờ chụp chiếu,...) rất nhanh chóng và thuận tiện.
- Hỗ trợ quản lý lưu lượng người bệnh: Hệ thống sắp xếp điều phối tự động người bệnh đến các vị trí tiếp đón phù hợp trong một khoảng thời gian ngắn, giảm quá tải, hỗ trợ nhân viên y tế (đặc biệt tại các thời điểm tập trung đông người bệnh).
Triển khai kios thông tin giúp người bệnh dễ dàng tra cứu thông tin quá trình khám bệnh tại Bệnh viện.
6. Phần mềm Bệnh án điện tử (EMR)
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, “Hồ sơ bệnh án là tập hợp dữ liệu, bao gồm thông tin cá nhân, kết quả khám bệnh, kết quả cận lâm sàng, kết quả thăm dò chức năng, quá trình chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và những thông tin khác có liên quan trong quá trình chữa bệnh của người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, và “Hồ sơ bệnh án được lập bằng giấy hoặc bản điện tử có giá trị pháp lý như nhau”.
Phòng CNTT đã chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Năm 2023 đã thẩm định thành công và được Bộ Y tế đã công bố “Bệnh viện Phổi Trung ương đã đáp ứng triển khai bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT” trên Cổng thông tin điện tử. Đây là quá trình gần 5 năm chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đúng quy định của pháp luật. Bệnh viện là đơn vị thứ 62 trên cả nước (bệnh viện thứ 62/1.300 cơ sở khám chữa bệnh), thứ 2/34 bệnh viện trung ương, thứ 20/135 bệnh viện hạng I trở lên thẩm định thành công hồ sơ bệnh án điện tử.
Năm 2024, Bệnh viện sẽ triển khai thường quy hồ sơ bệnh án điện tử, đem lại rất nhiều giá trị và các lợi ích, tiện ích cho người dân, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần cùng ngành Y tế thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.