X Y DỰNG – TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH AN TOÀN NGƯỜI BỆNH
Bệnh viện là nơi chăm sóc sức khỏe cho người bệnh song lại chính là môi trường nguy cơ cao, nơi các sự cố có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào từ bất kỳ dịch vụ khám chữa bệnh nào hoặc bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình chẩn đoán, chăm sóc, điều trị đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực tâm lý, vì vậy sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát.
Với quan điểm chủ đạo “Lấy người bệnh là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế là then chốt của toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh”, ngành y tế nói chung và Bệnh viện Phổi Trung ương nói riêng luôn chú trọng, ưu tiên hoạt động đảm bảo an toàn trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc và phục vụ người bệnh.
Nhằm hướng tới môi trường làm việc an toàn, cởi mở và "không đổ lỗi" để xây dựng văn hóa an toàn, trong những năm qua, Bệnh viện Phổi Trung ương đã xây dựng các văn bản quy định và hướng dẫn triển khai thực hiện. Phòng Quản lý Chất lượng bệnh viện là đơn vị đầu mối triển khai, phối hợp cùng các đơn vị thực hiện Kế hoạch chương trình An toàn người bệnh, các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu sự cố y khoa tại Bệnh viện. Các hoạt động đảm bảo an toàn được thể hiện qua các công việc cụ thể như sau:
Khi người bệnh đến khám bệnh, nằm điều trị tại các khoa hoặc nhân viên y tế cung cấp các dịch vụ y tế cho người bệnh, việc xác định chính xác người bệnh được thực hiện liên tục nhằm giảm tối đa các trường hợp nhầm lẫn. Người bệnh sẽ được xác định chính xác bằng cách sử dụng ít nhất 3 trong 5 yếu tố:
TT | Các yếu tố xác định người bệnh |
1 | Họ và tên |
2 | Ngày tháng năm sinh (Tuổi) |
3 | Giới tính |
4 | Địa chỉ (tên tỉnh, quận/huyện) |
5 | Mã số người bệnh |
Việc thực hiện các biện pháp chống nhầm lẫn được giám sát và đánh giá định kỳ. Các quy trình đảm bảo chống nhầm lẫn người bệnh trong cấp phát thuốc, phẫu thuật và xét nghiệm được xây dựng, triển khai và giám sát chặt chẽ…Hệ thống báo cáo sự cố y khoa được đảm bảo thông suốt từ quy trình báo cáo, thu thập, phân tích sai sót cấp khoa, cấp bệnh viện; Phòng QLCL là đầu mối triển khai, trực tiếp tiếp nhận và quản lý, lưu trữ các sự cố y khoa, đảm bảo nguyên tắc: Mọi cá nhân đều có thể tiếp cận và báo cáo; Tiện dụng, có thể đăng nhập và báo cáo ở bất cứ đâu (sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet) tại Bệnh viện; Bảo mật thông tin người khai báo; Hệ thống báo cáo được thông suốt, thường xuyên tiếp nhận các sự cố kịp thời, thu thập, tổng hợp hàng tháng/hàng quý, đôn đốc nhắc nhở và phản hồi ngay với các đơn vị; Khi có sự cố bất thường xảy ra sẽ được báo cáo ngay đến Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo Bệnh viện để giải quyết kịp thời, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và người bệnh, người nhà người bệnh tại Bệnh viện. Các sự cố được phân loại, thống kê định kỳ và đưa ra cảnh báo tránh nguy cơ lặp lại sự cố; Đề xuất các giải pháp phòng ngừa phản hồi đến đơn vị trong quá trình làm việc, khám bệnh, chăm sóc và phục vụ người bệnh để nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Các quy trình kỹ thuật đảm bảo An toàn phẫu thuật, thủ thuật, An toàn trong sử dụng thuốc, Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, An toàn trong sử dụng trang thiết bị y tế, Cải thiện quá trình trao đổi thông tin giữa người bệnh và nhân viên y tế, giữa các nhân viên y tế…được tuân thủ và giám sát chặt chẽ.
Để góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện, hạn chế thấp nhất các tai biến có thể xảy ra, củng cố, xây dựng văn hoá an toàn người bệnh, từ đó sẽ làm thay đổi theo chiều hướng tích cực những suy nghĩ, thái độ và hành vi của nhân viên y tế liên quan đến an toàn người bệnh; Phòng Quản lý chất lượng là đầu mối đã xây dựng và đưa ra các giải pháp:
Đồng bộ, chuẩn hóa các quy trình điều trị, chăm sóc người bệnh;
- Tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức về an toàn người bệnh;
- Các giải pháp kỹ thuật về an toàn người bệnh được triển khai thực hiện như cải tiến các bảng biểu chưa hoàn chỉnh, cải tiến quy trình khám và điều trị bệnh, hướng dẫn các thủ tục khám cung cấp dịch vụ y tế cho người bệnh; tăng cường cải tiến liên tục các hoạt động chuyên môn của bệnh viện, hoạt động điều dưỡng và chăm sóc NB, đánh giá kết quả tác động từ các sự cố đã xảy ra và suýt xảy ra, nhân rộng hiệu quả cải tiến chất lượng, tổ chức học tập, chia sẻ kinh nghiệm cùng các nhân viên y tế từ các sai sót, sự cố y khoa đã được nhận dạng nhằm tránh lặp lại sự cố… chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ; quản lý hồ sơ bệnh án; ứng dụng công nghệ thông tin…
- Hệ thống “khó mắc lỗi” được áp dụng ngay từ khâu khám chữa bệnh đầu tiên, lắp hệ thống báo động ở các trang thiết bị sử dụng trên người bệnh, tăng cường hệ thống nhắc nhở, ứng dụng công nghệ thông tin cảnh báo trong việc kê đơn, tra cứu nhanh phác đồ điều trị, áp dụng bảng kiểm cho các quy trình chuyên môn, sử dụng các bảng biểu về liều lượng thuốc, các hình ảnh cảnh báo chống nhầm lẫn giữa các loại thuốc có hình dạng giống nhau…
- Văn hóa an toàn người bệnh được xây dựng, khởi đầu từ cấp Lãnh đạo tới các đơn vị, có thái độ đúng mực, không định kiến khi có sự cố sai sót xảy ra. Lãnh đạo có cái nhìn mới về sự cố y khoa, giúp nhân viên y tế chủ động, mạnh dạn báo cáo và trao đổi thông tin về các sai sót, sự cố y khoa, có hình thức khuyến khích những nhân viên y tế chủ động báo cáo khi sự cố xảy ra hoặc suýt xảy ra, giúp đỡ động viên tinh thần cho nhân viên y tế có liên quan đến sự cố…
- Xây dựng giải pháp đổi mới về văn hóa kiểm tra, đánh giá, loại bỏ tư duy đối phó, chạy theo thành tích…
An toàn người bệnh là một chương trình có sự khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Trong những năm tiếp theo, Phòng Quản lý Chất lượng tiếp tục nâng cao các giải pháp cải tiến, ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động chất lượng nhằm giảm tối đa các sự cố y khoa có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho người bệnh đến khám và chữa bệnh tại Bệnh viện.