Ngày đăng: 22/01/202410 phút

CẢNH BÁO ĐỢT CẤP CỦA BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀO THỜI ĐIỂM GIAO MÙA

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ người bệnh, là một trong những bệnh gây tàn phế (suy hô hấp) và có tỷ lệ gây tử vong cao - đứng thứ 3 chỉ sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến ở nước ta cũng như trên thế giới. Các triệu chứng bao gồm khó thở, ho, khạc đờm mạn tính và tức nặng ngực. Nguyên nhân gây bệnh là do tiếp xúc lâu ngày với khói bụi, khí độc hại,… đặc biệt là khói thuốc lá. Những tác nhân này sẽ làm tăng bài tiết đờm, thay đổi cấu trúc đường dẫn khí (phế quản), dẫn tới hẹp các đường dẫn khí và phá huỷ nhu mô phổi. Từ đó làm rối loạn luồng khí ra vào phổi và gây ra triệu chứng đặc trưng của bệnh.

Theo WHO, trên toàn cầu, ước tính hiện nay có 384 triệu ca mắc COPD. COPD gây ra 3,2 triệu ca tử vong mỗi năm (tức là khoảng 5% tổng số ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm), đứng thứ 3 gánh nặng tử vong bệnh tật. Tại Việt Nam, theo điều tra dịch tễ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các ca COPD chiếm tỷ lệ 4,2% ở đối tượng trên 40 tuổi trở lên.

Người bệnh COPD thường có các đợt cấp tính, đó là những đợt nặng lên của các triệu chứng về hô hấp như ho, khạc đờm, khó thở, nguyên nhân thường gặp do nhiễm trùng, không khí bị ô nhiễm. Do đó, các đợt cấp thường gặp vào thời điểm thời tiết giao mùa, thời tiết diễn biến xấu. Vì vậy, để phòng tránh đợt cấp, người bệnh COPD cần được giữ ấm khi trời trở lạnh; tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như khói thuốc lá, khói bụi, hoá chất độc hại,…; rèn luyện sức khoẻ, các bài tập phục hồi chức năng phổi như thở hoành, thở chúm môi, đi bộ….

Theo ThS.BS Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh, đợt cấp COPD là diễn tiến tự nhiên của bệnh, gây những ảnh hưởng xấu đến người bệnh, làm nặng thêm các triệu chứng, giảm chức năng hô hấp, giảm chất lượng cuộc sống và thúc đẩy xuất hiện các đợt cấp tiếp theo, thậm chí có thể gây tử vong trong đợt cấp nặng, nguy kịch. Do đó, để tránh đợt cấp, ngoài các vấn đề như trên, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa, có chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng cao sức đề kháng, tập phục hồi chức năng phổi, tiêm phòng cúm, phế cầu và đặc biệt biết nhận biết sớm các triệu chứng đợt cấp, xử trí ban đầu tại nhà đúng và đến cơ sở y tế khám kịp thời.