Ngày đăng: 13/12/202310 phút

Khoa Bệnh phổi mạn tính: Đơn vị quản lý, điều trị chuyên sâu, toàn diện các bệnh phổi mạn tính

Khoa Bệnh phổi mạn tính Bệnh viện Phổi Trung ương là đơn vị đầu ngành trong chẩn đoán, điều trị và quản lý các bệnh phổi mạn tính. Khoa có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có trình độ chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, thường xuyên cập nhật những tiến bộ trong nước và thế giới áp dụng vào thực hành. Bên cạnh đó, khoa còn có nhiệm vụ đào tạo, chỉ đạo tuyến dưới, xây dựng mạng lưới quản lý bệnh phổi mạn tính, kết nối giữa các tuyến trong mạng lưới phòng chống lao và bệnh phổi và hệ thống y tế toàn quốc.

Khoa Bbệnh phổi mạn tính là mô hình điểm về quản lý các bệnh phổi mạn tính, sàng lọc tăng cường phát hiện bệnh, phát triển các phòng quản lý bệnh phổi mạn tính. Các hoạt động chính của khoa bao gồm:

1. Chẩn đoán, điều trị đợt cấp bệnh phổi mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) chuyên sâu, toàn diện.

Đợt cấp Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) và cơn hen cấp là diễn tiến thường gặp đối với người bệnh BPTNMT và hen phế quản, đó tình trạng nặng lên cấp tính các triệu chứng hô hấp như khó thở và/hoặc ho khạc đờm, có thể kèm tăng tần số thở và/hoặc tăng nhịp tim, thường liên quan đến tăng đáp ứng viêm tại phổi hoặc toàn thân, nguyên nhân có thể do nhiễm trùng phổi, phế quản, ô nhiễm không khí, tiếp xúc với dị nguyên. Đợt cấp BPTNMT và cơn hen cấp có thể mức độ nhẹ, nhưng có thể rất nặng đến nguy kịch, đe dọa tính mạng nếu không xử trí đúng, kịp thời.

Người bệnh khi có chỉ định vào khoa điều trị nội trú đều được áp dụng các biện pháp điều trị chuẩn, đồng thời được can thiệp các biện pháp không dùng thuốc như: phục hồi chức năng phổi, tư vấn và áp dụng chế độ ăn bệnh lý phù hợp, được tư vấn tâm lý (người bệnh BPTNMT, hen phế quản nặng thường có tình trạng lo lắng), được phục hồi chức năng phổi để giúp tình trạng bệnh cải thiện nhanh hơn.

Bên cạnh đó, các phương pháp hỗ trợ hô hấp rất quan trọng trong việc điều trị đợt cấp BPTNMT mức độ nặng. Trong đó, thông khí hỗ trợ không xâm nhập nhập, là phương pháp hỗ trợ hô hấp hiệu quả cho người bệnh đợt cấp BPTNMT nặng, giúp người bệnh cải thiện tốt triệu chứng, giảm thời gian nằm viện, tránh được phải đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập. Tuy nhiên, người bệnh thở máy không xâm nhập cần được theo dõi sát để phát hiện, phòng tránh những biến chứng và phát hiện sớm thất bại điều trị.

Đặc điểm người bệnh BPTNMT là cao tuổi, tiền sử hút thuốc lá thuốc lào, do đó thường kèm theo nhiều bệnh cùng yếu tố nguy cơ như bệnh tim mạch, bệnh rối loạn chuyển hóa, ung thư phổi. Người bệnh vào viện sẽ được tầm soát phát hiện và điều trị toàn diện.

2. Quản lý ngoại trú các bệnh phổi mạn tính

Đơn vị quản lý bệnh phổi mạn tính (CMU – Chronic Pulmonary Management Unit), Bệnh viện Phổi Trung ương được triển khai nhiều năm nay và là mô hình chuẩn trong theo dõi, quản lý người bệnh hen và BPTNMT, là một thành phần cơ bản trong cấu phần điều trị. 

Người bệnh sau được chẩn đoán xác định hoặc sau điều trị ổn định đợt cấp, đủ điều kiện ra viện sẽ được hướng dẫn theo dõi, quản lý ngoại trú theo chương trình toàn diện, bao gồm: điều trị thuốc; tư vấn bỏ thuốc lá, thuốc lào; phục hồi chức năng hô hấp; tiêm phòng cúm, phế cầu; tái khám định kỳ theo lịch hẹn hàng tháng. Tại đây, người bệnh được hưởng những quyền lợi tốt nhất theo đúng chế độquy định.

Được theo dõi, quản lý, điều trị tại đơn vị quản lý bệnh phổi mạn tính tại, Bệnh viện Phổi Trung ương, người bệnh sẽ có cơ hội được tiếp cận với các phương pháp điều trị mới, tiên tiến như: điều trị sinh học trong hen phế quản nặng, phẫu thuật giảm thể tích phổi, điều trị tế bào gốc…

3. Công tác đào tạo chỉ đạo tuyến và nghiên cứu khoa học

Cùng với chức năng nhiệm vụ của Bbệnh viện Phổi Trung ương là tuyến chuyên khoa cao nhất về bệnh phổi trên cả nước, khoa Bệnh phổi mạn tính còn tích cực tham gia đào tạo và chỉ đạo tuyến dưới về quản lý, điều trị các bệnh hô hấp mạn tính, hỗ trợ thành lập và triển khai các đơn vị quản lý bệnh phổi mạn tính tại các bệnh viện tuyến dưới bao gồm cả trong và ngoài hệ thống chuyên khoa.

Khoa là đầu mối của bệnh viện, chủ trì, phối hợp tham gia các nghiên cứu trong nước, đa trung tâm, đa quốc gia trong các nghiên cứu ứng dụng thực hành chẩn đoán, điều trị, các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.