Ngày đăng: 13/12/202310 phút

Giới thiệu dịch vụ kỹ thuật phẫu thuật lồng ngực

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ TRÀN KHÍ MÀNG PHỔI

  1. ĐẠI CƯƠNG

Tràn khí màng phổi là hiện tượng không khí bị rò rỉ vào khoang màng phổi, không gian giữa phổi và thành ngực của người bệnh. Lượng khí này đè ép vào phổi và dẫn đến hiện tượng phổi bị xẹp. Tình trạng tràn khí màng phổi có thể khiến phổi bị xẹp hoàn toàn hoặc xẹp một phần.

  1. NGUYÊN NHÂN TRÀN KHÍ MÀNG PHỔI

1. Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát xảy ra ở những bệnh nhân không có bệnh phổi, ở nam giới trẻ tuổi, cao, gầy ở độ tuổi thiếu niên. đây được cho là do sự vỡ tự phát của các kén khí hoặc bóng khí dưới màng phổi vùng đỉnh. Bệnh thường xảy ra lúc nghỉ ngơi, mặc dù một số trường hợp xảy ra trong các hoạt động liên quan đến gắng sức hoặc kéo dài. tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát cũng xảy ra khi lặn và bay ở độ cao lớn.

2. Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát xảy ra ở bệnh nhân bị bệnh phổi. Bệnh thường là kết quả của vỡ của một bóng hoặc kén ở bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng, xơ nang, viêm phổi,…

3. Tràn khí màng phổi liên quan đến kinh nguyệt là một dạng tràn khí màng phổi tự phát hiếm xảy ra trong vòng 48 giờ khi bắt đầu có kinh nguyệt ở phụ nữ tiền mãn kinh và đôi khi ở phụ nữ sau mãn kinh đang dùng estrogen. 

4. Tràn khí màng phổi sau chấn thương là một biến chứng thường gặp của các vết thương ngực xuyên thấu hoặc các vết thương ngực do vật tầy.

5. Tràn khí màng phổi sau can thiệp là do các biện pháp can thiệp y khoa, bao gồm sinh thiết xuyên thành, chọc dịch màng phổi, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, thông khí nhân tạo và hồi sức tim phổi.

III. CHẨN ĐOÁN TRÀN KHÍ MÀNG PHỔI

1. Triệu chứng lâm sàng của tràn khí màng phổi

Triệu chứng của bệnh nhân bị tràn khí màng phổi phụ thuộc vào mức độ tràn khí và tình trạng xẹp phổi. Các triệu chứng có thể xảy ra là:

  • Đau ngực dữ dội 
  • Cảm thấy ngột ngạt, khó thở
  • Tình trạng ho khan có thể xảy ra với một vài bệnh nhân
  • Lồng ngực giảm di động

Nếu tình trạng tràn khí màng phổi diễn biến nặng, một số triệu chứng sẽ xuất hiện là:

  • Tình trạng khó thở diễn ra nặng nề hơn
  • Nhịp thở nhanh, nông
  • Mạch đập nhanh 
  • Hạ huyết áp 
  • Trụy tim 
  • Nặng nhất sẽ là tim ngừng đập, khả năng tử vong rất cao.

Các dấu hiệu lâm sàng cổ điển Tam chứng Galliard bao gồm giảm rung thanh, gõ vang, và giảm rì rào phế nang. 

2. Hình ảnh cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh

Xquang ngực thẳng được dùng để chẩn đoán xác định và mức độ tràn khí màng phổi. Nói chung, tràn khí màng phổi gọi là nhiều khi khoảng cách giữa bờ lá tạng và bờ trong thành ngực trên xquang phổi là 2 cm hoặc hơn; dưới 2 cm gọi là ít. Thường kèm theo it dịch huyết thanh tạo thành mực nước hơi nhỏ ở góc sườn-hoành.

Chẩn đoán nguyên nhân chính xác cần nhờ đến chụp CT Scanner lồng ngực.

IV. ĐIỀU TRỊ

1. Phương pháp điều trị tràn khí màng phổi không cần phẫu thuật

  • Quan sát: Trong những trường hợp tràn khí màng phổi ít, không gây khó chịu nhiều cho bệnh nhân, bác sĩ có thể theo dõi chặt chẽ cho đến khi lượng khí trong khoang màng phổi được hấp thu hoàn toàn và phổi có thể hoạt động bình thường trở lại. Quá trình này có thể mất vài tuần.
  • Chọc hút kim hoặc đặt dẫn lưu: Nếu bệnh nhân có kèm theo khó thở, bác sĩ có thể chọc hút khí màng phổi hoặc dẫn lưu khí màng phổi. Lưu ý khi dẫn lưu khí màng phổi cho bệnh nhân, bác sĩ cần theo dõi lượng khí cũng như tình trạng giãn nở của phổi trên phim Xquang ngực của bệnh nhân.
  • Ngoài ra, bệnh nhân cần được điều trị triệt để nguyên nhân gây tràn khí màng phổi như hen, lao hoặc viêm phổi; đồng thời bác sĩ có thể cung cấp thêm oxy và các thuốc điều trị triệu chứng khác tuỳ thuộc tình trạng của bệnh nhân.

2. Phương pháp phẫu thuật để điều trị tràn khí màng phổi

Điều trị tràn khí màng phổi bằng phương pháp phẫu thuật sẽ được áp dụng trong trường hợp người bệnh bị tràn khí màng phổi kéo dài, tràn khí màng phổi tái phát, tràn khí màng phổi có nguyên nhân là bóng kén khí vỡ, tràn khí màng phổi 2 bên, tràn khí màng phổi kèm tràn máu… hoặc để điều trị những chấn thương gây tràn khí màng phổi cho bệnh nhân hay sau khi điều trị bằng các phương pháp khác thất bại. 

Xử Trí Phẫu Thuật:

Phẫu thuật điều trị tràn khí màng phổi có thể thực hiện thông qua nội soi lồng ngực. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một camera nhỏ qua thành ngực của người bệnh để quan sát trong khi can thiệp. Nội soi lồng ngực có thể giúp bác sĩ phẫu thuật quyết định phương pháp điều trị tràn khí màng phổi tiếp theo, chẳng hạn như: khâu các kén khí, đóng lỗ rò khí hoặc cắt bỏ phần phổi tổn thương.

Có 2 mục đích trong xử trí ngoại khoa tràn khí màng phổi là lấy bỏ bóng khí được coi là thủ phạm gây tràn khí và làm dính màng phổi để tránh tái phát.

+ Lấy bỏ bóng khí: chỗ dò khí thường có kèm bóng khí được cắt bỏ, khâu kín bằng chỉ hoặc cắt bằng Staples.

+ Gây dính màng phổi trong lúc mổ cắt kén khí

      - Cắt màng phổi thành: lột bỏ lá thành màng phổi ra khỏi xương sườn và cơ liên sườn cho kết quả tốt nhưng biến chứng sau mổ cao, chỉ nên dành cho những trường hợp cực khó.

     - Chà sướt màng phổi: chà sướt rướm máu chủ yếu ở lá thành để tạo dính giữa lá thành và lá tạng. Rất quan họng trong trường hợp không xác định được chỗ xì khí.

IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tschopp J.-M., Bintcliffe O., Astoul P., et al. (2015). ERS task force statement: diagnosis and treatment of primary spontaneous pneumothorax. Eur Respir J, 46(2), 321–335.  

2. Baumann M.H., Strange C., Heffner J.E., et al. (2001). Management of Spontaneous Pneumothorax. Chest, 119(2), 590–602.  

3. Mendogni P., Vannucci J., Ghisalberti M., et al. (2020). Epidemiology and management of primary spontaneous pneumothorax: a systematic review. Interactive CardioVascular and Thoracic Surgery, 30(3), 337–345.  

4. Fung S., Alexander A., Ashmawy H., et al. (2021). Socioeconomic Impact of Recurrent Primary Spontaneous Pneumothorax: Should Video-Assisted Thoracoscopic Surgery Be Considered at First Episode of Primary Spontaneous Pneumothorax?. Healthcare (Basel), 9(9), 1236.  

5. Daemen J.H.T., Lozekoot P.W.J., Maessen J.G., et al. (2019). Chest tube drainage versus video-assisted thoracoscopic surgery for a first episode of primary spontaneous pneumothorax: a systematic review and meta-analysis. European Journal of Cardio-Thoracic Surgery, 56(5), 819–829.  

6. Cardillo G., Ricciardi S., Rahman N., et al. (2019). Primary spontaneous pneumothorax: time for surgery at first episode?. J Thorac Dis, 11(Suppl 9), S1393–S1397.  

7. Chiu H.-Y., Ho Y.-C., Yang P.-C., et al. (2021). Recommendation for management of patients with their first episode of primary spontaneous pneumothorax, using video-assisted thoracoscopic surgery or conservative treatment. Sci Rep, 11(1), 10874.  

8. Nachira D., Meacci E., Congedo M.T., et al. (2020). Surgical treatment of primary spontaneous pneumothorax: what is better to do?. J Thorac Dis, 12(4), 1274–1276.  

9. Olesen W.H., Katballe N., Sindby J.E., et al. (2018). Surgical treatment versus conventional chest tube drainage in primary spontaneous pneumothorax: a randomized controlled trial†. European Journal of Cardio-Thoracic Surgery, 54(1), 113–121.

10. BTS guidelines for the management of spontaneous pneumothorax. Thorax 2003;58(Suppl II):ii39-ii52