Ngày đăng: 20/12/2024

NHU CẦU ĐIỀU TRỊ CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ GIAI ĐOẠN TIẾN XA VÀ DI CĂN

NHU CẦU ĐIỀU TRỊ CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ GIAI ĐOẠN TIẾN XA VÀ DI CĂN        .png

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư thường gặp nhất trên toàn cầu. Ung thư phổi được chia thành 2 nhóm chính gồm ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) và ung thư phổi tế bào nhỏ (UTPTBN), trong đó UTPKTBN chiếm 80-85% và là nhóm có nhiều lựa chọn phương pháp điều trị và tiên lượng tốt hơn. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, phần lớn bệnh nhân UTPKTBN đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, bệnh đã lan tràn di căn xa, điều trị chủ yếu là các liệu pháp toàn thân. Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào là tối ưu cho từng cá thể phụ thuộc phần lớn vào các đặc điểm phân tử tế bào u như: các đột biến điểm EGFR, ALK, ROS1, BRAF, KRAS, RET..., hay mức độ bộc lộ miễn dịch PDL1, cũng như những yếu tố khác như tuổi, thể trạng, bệnh kèm theo của bệnh nhân. Trong đó, đột biến EGFR là đột biến điểm hay gặp nhất, dự báo đáp ứng với các thuốc điều trị đích – thuốc ức chế EGFR tyrosine kinase (EGFR - TKIs), mở ra cơ hội điều trị mới cho các bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn muộn.

Mục tiêu điều trị bệnh nhân UTPKTBN ở giai đoạn tiến xa, di căn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và thời gian sống thêm của người bệnh. Có một số phương pháp điều trị được áp dụng trong giai đoạn này:

1, Điều trị hóa chất: sử dụng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, thường sử dụng bộ đôi hóa chất kết hợp giữa Platinum với một hóa chất khác như Paclitaxel, Doxetaxel, Vinorebine, Gemcitabine. Hiệu quả của điều trị hóa chất ghi nhận mang lại lợi ích cho nhiều người bệnh, tuy nhiên cần lưu ý tới những tác dụng không mong muốn của hóa chất gây ra cho người bệnh.

2, Điều trị hóa chất kết hợp với thuốc ức chế tăng sinh mạch Bevacizumab, được áp dụng trong các trường hợp ung thư phổi biểu mô tuyến. Các báo cáo cho thấy hiệu quả vượt trội so với các điều trị hóa chất đơn thuần.

3, Điều trị trúng đích: Trong UTPKTBN đã xác định có nhiều đột biến gen có khả năng gây ung thư, các đột biến gen trong UTPKTBN được phát hiện như: EGFR, ALK, ROS1, BRAF, KRAS, RET..., trong đó, hay gặp các đột biến EGFR, ALK. Các loại thuốc nhắm vào các tế bào u có đột biến gen này gọi là các thuốc điều trị đích, tuy nhiên hiện nay chỉ có một số loại đột biến gen gây ung thư có thuốc điều trị.

NHU CẦU ĐIỀU TRỊ CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ GIAI ĐOẠN TIẾN XA VÀ DI CĂN (2).png

3.1. Điều trị UTP có đột biến gen EGFR: 

Đột biến EGFR hay gặp ở người châu Á, không hút thuốc, nữ giới: 85 -> 90% gặp đột biến exon 19 và exon 21. Có 3 thế hệ thuốc:

- Thế hệ 1: Gefitinib, Erlotinib 

- Thế hệ 2: Afatinib, Dacomitinib

- Thế hệ 3: Osimertinib 

Hiện nay, ở Việt Nam TKI thế hệ 1, TKI thế hệ 2 (Afatinib) đã được BHYT chi trả 50%. Hiệu quả điều trị với các thế hệ đã được ghi nhận tương đối khả quan.

3.2. Điều trị UTP có đột biến gen ALK

Tỷ lệ đột biến gen ALK khoảng 5%, thuốc ALK TKIs điều trị ghi nhận hiệu quả đáng kể trong việc giúp tăng tỷ lệ đáp ứng của khối u, kéo dài thời gian sống thêm không bệnh, thời gian sống thêm toàn bộ. Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả rõ rệt của thuốc kháng ALK so với điều trị hóa chất chuẩn. Tuy nhiên, một số thuốc kháng ALK được phê duyệt điều trị tại Việt Nam chưa được BHYT chi trả. Các thuốc nhắm trúng đích kháng ALK bao gồm:

- Thế hệ 1: Crizotinib

- Thế hệ 2: Alectinib, Ceritinib, Brigatinib

- Thế hệ 3: Lorlatinib

4, Điều trị miễn dịch: sử dụng trong các trường hợp UTPKTBN có đột biến gen âm tính hoặc có đột biến gen chưa có thuốc điều trị đích. Việc sử dụng thuốc miễn dịch nên làm xét nghiệm PDL1. Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả điều trị thường tỷ lệ thuận với tình trạng bộc lộ PDL1. Các thuốc miễn dịch đang được điều trị tại Việt Nam: Pembrolizumab, Atezolizumab, Durvalumab. Trong ung thư phổi tế bào nhỏ điều trị thuốc miễn dịch gồm có: Durvalumab, Atezolizumab.

5, Xạ trị: với mục đích điều trị triệu chứng, giảm cảm giác khó chịu, đau đớn cho người bệnh.

- Xạ phổi: nhằm làm giảm thể tích khối u cần cân nhắc chỉ định xạ trị giai đoạn nặng.

- Xạ các ổ di căn: não, xương…

NHU CẦU ĐIỀU TRỊ CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ GIAI ĐOẠN TIẾN XA VÀ DI CĂN (3).png

6, Chăm sóc giảm nhẹ:

- Nâng đỡ cơ thể: dinh dưỡng đầy đủ bằng chế độ ăn truyền đạm dung dịch lipid

- Điều trị các triệu chứng bệnh 

- Điều trị ung thư nếu thể trạng còn cho phép

- Điều trị các bệnh lý đi kèm

NHU CẦU ĐIỀU TRỊ CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ GIAI ĐOẠN TIẾN XA VÀ DI CĂN (4).png

Tóm lại: UTPKTBN giai đoạn tiến xa và di căn trước khi điều trị cần có các chẩn đoán giai đoạn bệnh, mô bệnh học, sinh học phân tử tìm đột biến gen, PDL1, đánh giá thể trạng người bệnh, khả năng chi trả của người bệnh (có một số loại thuốc chưa được bảo hiểm chi trả) từ đó giúp xác định chính xác phương pháp điều trị hợp lý nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Rosell R, Carcereny E, Gervais R, et al. Erlotinib versus standard chemotherapy as first-line treatment for European patients with advanced EGFR mutation-positive non-small-cell lung cancer (EURTAC): a multicentre, open-label, randomised phase 3 trial. _Lancet Oncol 2012;_13:239-246. 

2. Mok TS, Wu Y-L, Thongprasert S, et al. Gefitinib or carboplatin–paclitaxel in pulmonary adenocarcinoma. N Engl J Med 2009;361:947-957. 

3. Sequist LV, Yang JC, Yamamoto N, et al. Phase III study of afatinib or cisplatin plus pemetrexed in patients with metastatic lung adenocarcinoma with EGFR mutations. J Clin Oncol 2013;31:3327-3334. 

4. Soria JC, Ohe Y, Vansteenkiste J, et al. Osimertinib in Untreated EGFR-Mutated Advanced Non-Small-Cell Lung Cancer. N Engl J Med 2018; 378:113. 

5. Ramalingam SS, Vansteenkiste J, Planchard D, et al. Overall Survival with Osimertinib in Untreated, EGFR-Mutated Advanced NSCLC. N Engl J Med 2020; 382:41.