PHẪU THUẬT CHO MỤC TIÊU TRIỆT CĂN UNG THƯ PHỔI
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong do ung thư lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu Globocan 2020, tại Việt Nam, ung thư phổi xếp vị trí thứ 2 sau ung thư gan, với khoảng 26.262 người phát hiện mắc mới và 23.797 ca tử vong mỗi năm[1] . Ung thư phổi được chia thành hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (small cell lung cancer) - chiếm khoảng 10-15% và ung thư phổi không tế bào nhỏ (non small cell lung cancer) - chiếm khoảng 85%. [2]
Trước đây, bệnh thường phát hiện ở những giai đoạn muộn, khi bệnh đã tiến triển tại chỗ, tại vùng hoặc đã có di căn xa, và có tiên lượng xấu, điều trị khó khăn và tốn kém. Tỷ lệ sống còn 5 năm của UTPKTBN giảm dần theo giai đoạn khi được chẩn đoán, tỷ lệ bệnh nhân còn sống sau 5 năm chung cho các giai đoạn còn thấp, khoảng 21,7%[3]. Tuy nhiên, cũng giống như các ung thư khác, tiên lượng của UTP ở giai đoạn càng sớm thì càng tốt.
Nếu ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn sớm, phẫu thuật chính là phương pháp điều trị quan trọng nhất để loại bỏ khối u, chữa khỏi ung thư khi người bệnh đang ở giai đoạn đầu. Theo quan điểm Dân gian thường cho rằng việc sử dụng dao kéo sẽ khiến khối u nặng thêm, nhưng quan niệm này là không chính xác, làm cho người bệnh lo sợ và bỏ qua thời điểm “vàng” để chữa khỏi bệnh. Thực tế cho thấy chỉ khoảng 30% Bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (viết tắt: UTPKTBN) được chẩn đoán có thể phẫu thuật được (giai đoạn I-IIIa)[4]. Tại Việt Nam, khoảng 24% bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn I-III [5]
Khả năng phẫu thuật cũng như loại hình phẫu thuật của bệnh nhân sẽ được quyết định bởi bác sĩ phẫu thuật lồng ngực, thông qua thảo luận với các bác sĩ nội khoa ung bướu và các bác sĩ chuyên ngành liên quan. [6]
Vai trò của phẫu thuật điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm
Theo phác đồ điều trị của Mạng lưới ung thư toàn diện quốc gia của Hoa Kỳ (NCCN), phẫu thuật là phương pháp lựa chọn đầu tiên và cơ bản khi bệnh ở giai đoạn sớm (giai đoạn còn khu trú, giai đoạn I, II, IIIA). Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ triệt để khối u và các hạch di căn trong lồng ngực, ngăn chặn xâm nhiễm cục bộ và di căn xa, làm giảm bớt hoặc mất các triệu chứng lâm sàng phát sinh do khối u gây ra. [7]
Ưu điểm của phẫu thuật chỉ trong vài giờ đã có thể cắt bỏ toàn bộ khối u và nạo vét hạch hệ thống. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân ung thư phổi đã được chữa khỏi bằng phẫu thuật.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp dù khối u đã được cắt bỏ nhưng bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát bệnh.4,6 Tỷ lệ tái phát xảy ra ở khoảng 30 - 50% bệnh nhân sau khi thực hiện phẫu thuật.8 Khối u có thể tái phát tại chỗ, tại vùng hoặc di căn xa.6 Do đó, một số bệnh nhân sau khi phẫu thuật xong, cần được điều trị bổ trợ để nhằm mục đích loại bỏ những tế bào khối u còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát bệnh và kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. Tùy theo đặc điểm khối u, tình trạng và giai đoạn bệnh, bệnh nhân có thể được thực hiện các phương pháp điều trị bổ trợ như hóa trị, xạ trị đồng thời hoặc nối tiếp, hoặc sử dụng liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích.9
Các phương pháp phẫu thuật hiện nay
Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:
- Phẫu thuật mở ngực (Thoracotmy), tuy nhiên ngày nay ít được sử dụng
- Phẫu thuật can thiệp tối thiểu dưới hướng dẫn của video (VATS), hay còn gọi là phẫu thuật nội soi lồng ngực
- Phẫu thuật nội soi lồng ngực dưới hỗ trợ của robot (RATS) cũng bắt đầu được triển khai tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, các phương pháp can thiệp tối thiểu như VATS và RATS được phát triển mạnh mẽ, nhất là ở các trung tâm phẫu thuật lồng ngực chuyên sâu, giúp làm giảm các biến chứng hậu phẫu, giảm thời gian nằm viện, giảm thời gian nằm viện, rút ngắn thời gian hồi phục và tăng tính thẩm mỹ cho người bệnh mà vẫn đảm bảo những nguyên tắc trong phẫu thuật ung thư.
Các loại phẫu thuật (PT):
Các phẫu thuật bao gồm:
a. Cắt 1 thùy phổi: Là cắt theo giải phẫu chuẩn của thùy phổi, phẫu tích theo rãnh liên thùy tới sát rốn phổi, kiểm soát các ĐM, TM, PQ thùy phổi đã dự định. Áp dụng khi khối u còn nằm khu trú trong một thùy giải phẫu.
b. Cắt 2 thùy phổi: Là cắt theo giải phẫu cả hai thùy phổi khi tổn thương xâm lấn qua rãnh liên thùy sang thùy phổi kế cận. Áp dụng cho bên phổi phải bao gồm cắt thùy trên hoặc thùy dưới cùng thùy giữa.
c. Cắt phổi: Là cắt toàn bộ một lá phổi theo phân chia của ĐM phổi chính, cắt TM phổi trên và TM phổi dưới, cắt PQ gốc đến sát mức carina.
d. Cắt phân thùy phổi: Là cắt một hoặc nhiều phân thùy phổi theo giải phẫu (giống như cắt 1 thùy phổi nhưng ở mức độ nhỏ hơn). Áp dụng khi khối u ở giai đoạn sớm, thường chỉ định cho khối u có kích thước ≤ 2cm hoặc chỉ định cho những bệnh nhân có chức năng tim phổi hạn chế không chịu đựng được phẫu thuật cắt thùy phổi.
e. Cắt phổi hình chêm: Là cắt một phần phổi không theo giải phẫu, bao gổm: cắt góc nhu mô phổi (cắt wegde), cắt rìa (cắt quanh khối u với diện cắt R0). Thông thường nên đặt ra chỉ định khi kích thước u ≤ 2cm hoặc khi chức năng tim phổi hạn chế.
Kết luận:
Như vậy, Phẫu thuật UTPKTBN giai đoạn sớm ngày nay có xu hướng can thiệp tối thiểu vừa đảm bảo hiệu quả về mặt ung thư, vừa làm tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, Người dân nên chủ động nhận biết nguy cơ ung thư của bản thân và tham gia tầm soát phát hiện sớm, khi đã có bệnh thì cần đến các cơ sở chuyên khoa để điều trị và phải tuân thủ theo kế hoạch điều trị của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo:
- Cancer today. (n.d.-c). https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/900-world-fact-sheets.pdf
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ- Bộ Y tế (2018) ( Ban hành kèm theo quyết định số 4825/ QĐ- BYT)
- Duma N, Santana-Davila R, Molina JR. Non–Small Cell Lung Cancer: Epidemiology, Screening, Diagnosis, and Treatment. Mayo Clinic Proceedings. 2019;94(8):1623-1640. doi:10.1016/j.mayocp.2019.01.013
- Shalata W, Jacob BM, Agbarya A. Cancers (Basel). 2021; 13(16):4119
- Tran HTT, et al. J Thorac Oncol. 2021 Sep;16(9):1443-1448
- NCCN Clinical Practice Guidelines in Oncology. Non-Small Cell Lung Cancer. Version 5.2023 November 8, 2023. Available at https://www.nccn.org /professionals /physician _ gls/pdf/nscl.pdf. Accessed on Nov 27, 2023
- National Comprehensive Cancer Network (2021), "NCCN clinical practice guidelines in oncology Non-small cell lung cancer".
- Philip B et al. Video-assist Thorac Surg 2023;8:7
- Lim JU, Yeo CD_. Thorac Cancer_. 2022 Feb;13(3):277-283