Ngày đăng: 26/12/2024

Quản lý tăng men gan ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có Đột biến gen EGFR (+) có điều trị thuốc ức chế tyrosine kinase.

Quản lý tăng men gan ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ  có Đột biến gen EGFR (+) có điều trị thuốc ức chế tyrosine kinase.pngKhái niệm tăng men gan và tăng men gan ở nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Mọi chất độc khi vào cơ thể đều được xử lý bởi gan. Không chỉ vậy, cơ quan này còn có vai trò quan trọng khác như: chuyển hóa, lưu trữ chất cần thiết, tạo máu và chất chống đông máu cho cơ thể, thải độc... Vì vậy, đây là cơ quan dễ bị tổn thương, nhiễm độc và dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. Men gan là xúc tác sinh học quan trọng trong chuyển hóa chất của cơ thể, được dùng để đánh giá tình trạng và mức độ tổn thương của gan. Các chỉ số men gan gồm AST (SGOT), ALT (SGPT), GGT. Mức an toàn của AST và ALT là dưới 40 U/L, còn với chỉ số GGT là dưới 60 U/L (nam 11-50 U/L, nữ 07-32 U/L). Tăng men gan là tình trạng các men này bị phóng thích vào máu do tế bào gan bị hoại tử. Hay nói một cách khác, tăng men gan, đặc biệt là tăng các men transaminase trong máu là hiện tượng gián tiếp cho biết đang có quá trình viêm và hoại tử tế bào gan. Tăng men gan ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ là một trong các tác dụng không mong muốn hay gặp khi điều trị bằng các liệu pháp toàn thân như: hoá trị liệu, thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, thuốc nhắm trúng đích. Ở nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen EGFR được điều trị bằng thuốc ức chế tyrosine kinase khoảng 10% xuất hiện tác dụng phụ tăng men gan. Chủ yếu mưc độ nhẹ (độ 1,2), mức độ nặng (độ 3, 4) tỷ lệ ít. Xuất hiện nhiều hơn trên nền bệnh lý gan mạn tính (viêm gan Virus B, C mạn, xơ gan) hoặc sử dụng đồng thời các thuốc khác có khả năng gây tăng men gan như thực phẩm chức năng hoặc thuốc nam thuốc bắc không được kiểm duyệt.

  • Quản lý tăng men gan ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ  có Đột biến gen EGFR (+) có điều trị thuốc ức chế tyrosine kinase (2).png

Ảnh hưởng của tăng men gan?

Khi tế bào gan bị huỷ hoại sẽ giải phóng các men gan và gây ra những biến chứng nặng nề cho người bệnh

  • Rối loạn chức năng gan: Các tác nhân điều trị có thể gây nhiễm độc gan gián tiếp hoặc trực tiếp. Hơn nữa, chức năng gan bất thường có thể làm thay đổi quá trình chuyển hóa thuốc và làm tăng nguy cơ nhiễm độc ngoại bào.
  • Tăng men gan nhẹ tức tăng dưới 2,5 lần thường ít gây có biểu hiện ra lâm sàng. Khi men gan tăng trên 2.5 lần có thể gây cảm giác mệt mỏi, chán ăn. Ảnh hưởng rất lớn tới quá trình hoá trị liệu.
  • Trường hợp tế bào gan bị huỷ hoại quá nhiều, men gan tăng cao có thể gây suy gan cấp, xơ gan, hôn mê gan, thậm chí tử vong.
  • Quản lý tăng men gan ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ  có Đột biến gen EGFR (+) có điều trị thuốc ức chế tyrosine kinase (3).png

Chẩn đoán và phân độ tăng men gan ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen EGFR (+) được điều trị thuốc ức chế tyrosine kinase

Chẩn đoán

  • Thuốc ức chế tyrosine kinase tác dụng chính tiêu diệt tế bào ung thư cũng gây ra một số tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, ban da, viêm phổi kẽ, viêm quan móng và tăng men gan.
  • Trước điều trị bệnh nhân không có tăng men gan, không có bệnh lý gan mạn tính gây tăng men gan.
  • Không sử dụng đồng thời các thuốc hoặc thực phẩm có khả năng gây tăng men gan.
  • Trong quá trình điều trị xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng, vàng da, vàng củng mạc mắt, nước tiểu vàng. Các chỉ số xét nghiệm sinh hoá cho thấy có tăng men gan và hoặc tăng bilirubin.

Phân độ

Theo phân độ tăng men gan theo phân độ CTCAE

  • Độ I: Nồng AST, ALT tăng dưới 3 lần giá trị bình thường. Bilirubin tăng dưới 1,5 lần. giá trị bình thường.
  • Độ II: Nồng AST, ALT tăng từ  trên 3 lần đến dưới 5 lần giá trị bình thường. Bilirubin tăng trên 1,5 lần đến dưới 3 lần giá trị bình thường
  • Độ III: Nồng AST, ALT tăng từ  trên 5 lần đến dưới 20 lần giá trị bình thường. Bilirubin tăng trên 3 lần đến dưới 10 lần giá trị bình thường
  • Độ IV: Nồng AST, ALT tăng từ  trên 20 lần giá trị bình thường. Bilirubin tăng trên 10 lần giá trị bình thường

Xử lý tăng men gan ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen EGFR (+) điều trị thuốc ức chế tyrosine kinase

  • Lưu ý nhóm bệnh nhân có bệnh lý gan mạn tính hoặc rối loạn chức năng gan trước khi điều trị có nguy cơ cao hơn gây tăng men gan khi điều trị bằng thuốc kháng tyrosine kinase.
  • Không chỉ định điều trị ở nhóm bệnh nhân có rối loạn chức năng gan nặng không kiểm soát được.
  • Kiểm soát chức năng gan trong khi điều trị thuốc ức chế tyrosine kinase
  • Khi có tăng men gan trong quá trình điều trị thuốc ức chế tyrosine kinase: Xét nghiệm tìm căn nguyên (viêm gan virus hoạt động, xơ gan tiến triển, ung thư gan…), khai thác loại trừ căn nguyên do dùng thuốc, thực phẩm chức năng gây tăng men gan.
  • Nếu tăng gấp 3 lần bình thường theo phân độ của CTCAE; ngừng điều trị thuốc kháng tyrosine kinase, điều trị nội khoa. Nếu tăng dưới 3 lần bình thường theo phân độ của CTCAE; điều trị nội khoa và vẫn tiếp tục dùng thuốc kháng tyrosine kinase.
  • Việc điều trị lại thuốc tyrosine kinase khi mức độ tăng men gan về dưới độ I hoặc giải quyết nguyên nhân hoàn toàn.

Ngừng thuốc điều trị đích nếu men gan tăng sau khi sử dụng trở lại, có thể xem xét chuyển thuốc đích sang thế hệ thuốc khác

Kết luận

Tăng men gan ở nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen EGFR (+) được điều trị thuốc ức chế tyrosine kinase xẩy ra với tỷ lệ thấp khoảng 10%. Chủ yếu ở mức độ 1, độ 2 và ít gây đe doạ tính mạng. Trong quá trình điều trị cần quản lý theo dõi chức năng gan cũng như phân biệt căn nguyên gây tăng men gan để có hướng xử trí phù hợp.

Tài liệu tham khảo

1. Using the Common Terminology Criteria for Adverse Events (CTCAE - Version 5.0) to Evaluate the Severity of Adverse Events of Anticancer Therapies. 

2. Cancerworld (2015): Managing common toxicities with new tyrosine kinase inhibitors.

3. National Comprehensive Cancer Network (2022): NCCN Clinical Practice Guidelines in Oncology with NCCN Evidence Blocks.