CẦN LÀM GÌ KHI NGHI NGỜ MẮC LAO PHỔI
CẦN LÀM GÌ KHI NGHI NGỜ MẮC LAO PHỔI
- Các dấu hiệu cảnh báo nghi ngờ mắc lao phổi
Đa số trường hợp bệnh khởi phát một cách từ từ với các dấu hiệu
-
Triệu chứng toàn thân: Người bệnh mệt mỏi, ăn kém, gầy sút cân không rõ nguyên nhân, sốt nhẹ về chiều tối (37,5oC đến 38oC) kèm theo ra mồ hôi về ban đêm.
-
Triệu chứng cơ năng
- Triệu chứng hay gặp nhất là ho khạc đờm: Đờm trắng trong, nhầy, có thể màu vàng nhạt, màu xanh hoặc mủ đặc. Tất cả những người bệnh có dấu hiệu ho khạc đờm từ trên 2 tuần cần được khám phát hiện hoặc loại trừ lao.
- Ho ra máu: đa số các trường hợp thường ho ra máu số lượng ít, ho máu rất khó tiên lượng, luôn nên được coi là một cấp cứu, cần được xử trí và chấn đoán nguyên nhân tại cơ sở y tế chuyên khoa.
- Đau mỏi vùng liên bả cột sống, hoặc đau ngực: Đây là triệu chứng không gặp thường xuyên, thường đau âm ỉ, khó mô tả, khu trú ở một vị trí cố định.
- Khó thở: Chỉ gặp khi tổn thương rộng ở phổi, hoặc do có các biến chứng của lao phổi như: tràn khí màng phổi, tâm phế mạn.
Một số ít các trường hợp có thể khởi bệnh cấp tính với các triệu chứng như: sốt cao, ho, đau ngực nhiều, kèm theo khó thở
Các yếu tố thuận lợi dễ mắc lao phổi:
- Người nhiễm HIV
- Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây (tiếp xúc hộ gia đình), đặc biệt trẻ em.
- Người mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, suy thận mạn.
- Người nghiện ma tuý, rượu, thuốc lá, thuốc lào.
- Người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, hoá chất điều trị ung thư, các thuốc độc tế bào, các thuốc sinh học.
- Cần làm gì khi nghi ngờ mắc lao phổi
Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc lao phổi như: ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, sốt về chiều tối, ra mồ hôi trộm ban đêm, đặc biệt ở những người bệnh trong nhóm nguy cơ mắc lao cao; người bệnh cần tới các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế khám chữa bệnh chuyên khoa Lao và bệnh phổi để được thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán lao phổi. Người bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà, không nên quá lo lắng. Bệnh lao nói chung và lao phổi nói riêng nếu phát hiện sớm, điều trị sớm theo đúng phác đồ thì tiên lượng điều trị sẽ rất khả quan.
Khi tới các cơ sở y tế chuyên khoa lao và bệnh phổi, người bệnh sẽ được thăm khám, phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc lao, các yếu tố nguy cơ và được chỉ định các xét nghiệm cơ bản giúp chẩn đoán lao phổi gồm:
-
X-Quang ngực chuẩn hoặc Cắt lớp vi tính lồng ngực trong trường hợp tổn thương trên phim X-Quang ngực không rõ ràng và cần phân biệt với các bệnh khác
-
Xét nghiệm vi sinh:
- Soi đờm trực tiếp tìm AFB: Đây là xét nghiệm quan trọng nhất để xác định chẩn đoán bệnh lao phổi là nguồn lây chính được khuyến cáo gần 100 năm nay. Kỹ thuật đơn giản và cho kết quả nhanh, tuy nhiên xét nghiệm có độ nhạy không cao.
- Kỹ thuật sinh học phân tử Gene Xpert MTB/RIF: là một kỹ thuật mang tính đột phá, tích hợp của 3 công nghệ (tách gene, nhân gene và nhận biết gene). Xpert MTB có khả năng chẩn đoán lao và phát hiện lao kháng RIF. Xét nghiệm có độ nhạy, độ đặc hiệu cao, thời gian có kết quả trong 2 giờ, được Tổ chức y tế thế giới Chương trình chống lao sử dụng GeneXpert trong chẩn đoán lao, phát hiện sớm lao kháng đa thuốc.
- Nuôi cấy tìm vi khuẩn lao: là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán lao phổi, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao tuy nhiên kỹ thuật này mất nhiều thời gian hơn (4 – 6 tuần).
Từ các kết quả cận lâm sàng kết hợp thăm khám và khai thác bệnh sử của người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra kết luận người bệnh có mắc lao hay không và có phác đồ điều trị chính xác nhất cho từng trường hợp cụ thể.