Ngày đăng: 22/10/2024

CAN THIỆP DINH DƯỠNG ĐÚNG VÀ SỚM GIÚP NGƯỜI BỆNH NÂNG CAO THỂ TRẠNG

Can thiệp dinh dưỡng đúng và sớm giúp 

người bệnh nâng cao thể trạng

Dinh dưỡng trong điều trị bệnh đóng một vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với người bệnh nặng. Bệnh viện Phổi Trung ương luôn hướng tới đẩy mạnh hoạt động dinh dưỡng, nâng cao chất lượng chăm sóc toàn diện cho người bệnh.  

Với phương châm “Thức ăn là thuốc, thuốc là thức ăn”, khoa Dinh dưỡng & Tiết chế đã phối hợp với các khoa lâm sàng tiến hành can thiệp dinh dưỡng thành công cho nhiều trường hợp người bệnh nặng. 

Người bệnh nam, 61 tuổi vào viện trong tình trạng cấp cứu vì khó thở, ho nhiều đờm trắng, sốt cao 39oC và được chẩn đoán Suy hô hấp - Viêm phổi kẽ - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – Tăng huyết áp. Trong quá trình điều trị người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa và được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch. Khi tình trạng xuất huyết ổn định, người bệnh được cho ăn lại qua đường miệng và chuyển sang Trung tâm ghép phổi để điều trị tiếp.

Ảnh 1.jpg

Hình 1: Người bệnh được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch

Tại Trung tâm ghép phổi, người bệnh được hội chẩn dinh dưỡng với các chuyên gia của khoa Dinh dưỡng & tiết chế. Người bệnh thể trạng gầy, cân nặng 58kg, BMI 20,1 kg/m2  (giảm 7 kg so với 1 tháng trước khi vào viện). Khối cơ, lớp mỡ dưới da của người bệnh đều đang trong tình trạng suy giảm. Toàn bộ hai chi dưới yếu, không thể tự co duỗi chân hay tự ngồi dậy, không đi lại được, trương lực cơ đo tay phải (tay thuận) ở mức yếu.

Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của người bệnh bị giảm nhiều, tổng năng lượng trong ngày đạt khoảng 30% và protein đạt khoảng 20% nhu cầu khuyến nghị. Với tình trạng dinh dưỡng hiện tại, nếu người bệnh không được can thiệp dinh dưỡng kịp thời thì chất lượng điều trị bệnh sẽ bị ảnh hưởng.

Ảnh 2.jpg

Hình 2: Tình trạng người bệnh trước can thiệp dinh dưỡng đường tiêu hóa

Ảnh 3.jpg

Hình 3: Người bệnh mất cơ, mất lớp mỡ dưới da

Do vậy, ngay sau khi đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh, chuyên gia Dinh dưỡng đã phối hợp với Bác sĩ điều trị đưa ra kế hoạch can thiệp dinh dưỡng. Người bệnh được nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa, bổ sung các chế phẩm dinh dưỡng y học với công thức đạm chất lượng cao, năng lượng cao, đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất. Chế độ dinh dưỡng của người bệnh được giám sát chặt chẽ về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo hiệu quả can thiệp dinh dưỡng. Người bệnh được theo dõi các triệu chứng dinh dưỡng và tình trạng dung nạp với chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Đồng thời, người nhà người bệnh cũng được hướng dẫn cách chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh. Sau mỗi 3 ngày, các chuyên gia dinh dưỡng của khoa Dinh dưỡng đánh giá lại tình trạng dinh dưỡng của người bệnh và điều chỉnh phác đồ can thiệp dinh dưỡng phù hợp theo tình trạng của người bệnh.

Sau 3 ngày can thiệp dinh dưỡng, người bệnh dung nạp tốt với chế độ dinh dưỡng. Người bệnh bắt đầu có thể tự co duỗi hai chi dưới. Ngày thứ 5 sau can thiệp dinh dưỡng, người bệnh đã ngồi dậy được, đỡ khó thở, tinh thần thoải mái hơn và đã ăn được cơm. Từ ngày thứ 7 sau can thiệp dinh dưỡng, người bệnh đã ăn được hết suất cơm trong 1 bữa, tổng năng lượng trong một ngày đạt 90-100% nhu cầu khuyến nghị. Sau hơn 1 tuần được can thiệp dinh dưỡng tích cực, người bệnh đã hồi phục rõ rệt về sức khỏe và tinh thần. Người bệnh tự ngồi dậy và tập vận động tại giường, trung bình 2-3 giờ/ ngày, trương lực cơ đã có sự cải thiện hơn trước.   

Ảnh 4.jpg

Hình 4: Người bệnh tự ngồi dậy sau 7 ngày can thiệp dinh dưỡng

Thành công của việc can thiệp dinh dưỡng đã một lần nữa khẳng định dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Can thiệp dinh dưỡng đúng giúp người bệnh nhanh hồi phục, giảm biến chứng liên quan đến thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng và cải thiện chất lượng điều trị chung.

Từ khóa: #Dinhduong, #dieutridinhduong, #canthiepdinhduong