ĐIỀU TRỊ LAO PHỔI NHƯ THẾ NÀO
ĐIỀU TRỊ LAO PHỔI NHƯ THẾ NÀO
Lao phổi là một bệnh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh không chỉ hiện tại mà còn sau này. Việc chẩn đoán và điều trị lao cần phải được tiến hành nhanh, hợp lý, đúng đắn để đạt hiệu quả cao nhất cho bệnh nhân và giảm nguy cơ lây lan cho cộng đồng
1. Nguyên tắc điều trị
Điều trị lao cần tuân thủ theo hướng dẫn, cần phối hợp các thuốc chống lao, uống đúng thuốc, đủ liều lượng, đủ thời gian và đều đặn
2. Các phác đồ điều trị
Nếu bệnh nhân được chẩn đoán lao phổi thì phác đồ hiện tại cho người lớn và trẻ em tối thiểu là 6 tháng với 2 tháng tấn công dùng 4 loại thuốc và 4 tháng duy trì với 3 loại thuốc cho người lớn và 2 loại thuốc cho trẻ em.
Các trường hợp lao khác như lao màng não-não, lao xương khớp, lao hạch thì điều trị tối thiểu 12 tháng với 2 tháng tấn công dùng 4 loại thuốc và 10 tháng duy trì với 3 loại thuốc cho người lớn và 2 loại thuốc cho trẻ em.
Các trường hợp lao kháng thuốc sẽ được lựa chọn phác đồ khác nhau theo kết quả kháng sinh đồ và các bệnh lí đồng mắc của bệnh nhân.
3. Các thuốc chống lao
- Thuốc chống lao hàng 1: là các thuốc chống lao thiết yếu, được ưu tiên sử dụng cho các bệnh nhân lao không kháng thuốc, bao gồm: isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazinamid (Z), streptomycin (S), ethambutol (E).
-Thuốc chống lao hàng 2: là các thuốc chống lao thứ yếu, được sử dụng cho các bệnh nhân lao kháng thuốc. Hiện nay đã có nhiều phác đồ mới được áp dụng dành cho bệnh nhân lao kháng thuốc, một số thuốc mới đã được áp dụng tại Việt Nam như: bedaquiline, linezolid, delamanid… Điều này đã mang lại hi vọng và niềm tin mới cho bệnh nhân lao kháng thuốc trong quá trình điều trị.
4. Theo dõi điều trị bệnh lao
Bệnh nhân sẽ được quản lí, theo dõi điều trị hàng tháng tại các cơ sở chuyên khoa. Bác sĩ sẽ theo dõi vấn đề tuân thủ điều trị, sự tiến triển của các triệu chứng, tiến triển trên phim XQ, kết quả xét nghiệm đờm, xét nghiệm máu, đồng thời phát hiện sớm các tác dụng phụ nếu có.