Ngày đăng: 17/07/2024

Giới thiệu kỹ thuật ECMO trên người bệnh suy hô hấp cấp

Kỹ thuật tim phổi nhân tạo ECMO (Extracorporeal Membrane Oxygenation) đã đem đến bước đột phá trong điều trị bệnh nhân suy hô hấp nặng tại Bệnh viện Phổi Trung ương. ECMO là kỹ thuật hiện đại, giúp cứu sống những ca bệnh khó khăn nhất. Với đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm chuyên sâu về bệnh lý hô hấp và trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Phổi Trung ương đồng hành cùng hy vọng và cơ hội hồi sinh cho những người bệnh trong giai đoạn bệnh nặng và nguy kịch nhất.

Kỹ thuật tim phổi nhân tạo ECMO (Extracorporeal Membrane Oxygenation) đóng vai trò quan trọng và đột phá trong việc cứu sống các bệnh nhân suy tuần hoàn và suy hô hấp nặng. ECMO hoạt động bằng cách sử dụng một máy bơm máu ngoài cơ thể để lấy máu từ cơ thể bệnh nhân, sau đó thông qua một màng lọc sinh lý (membrane) để gia tăng lượng oxi trong máu và loại bỏ carbon dioxide (CO2) dư thừa, sau đó đưa máu trở lại cơ thể thông qua mạch máu ngoài cơ thể. Với hai phương thức chính là Veno-Venous (VV) và Veno-Arterial (VA), ECMO có ứng dụng đa dạng trong y học hiện đại. ECMO được sử dụng để hỗ trợ hô hấp và giảm gánh nặng cho phổi trong trường hợp suy hô hấp nặng, đồng thời hỗ trợ tim hoạt động và cung cấp oxi cho cơ thể khi tim không còn đủ khả năng bơm máu hiệu quả. Trong thời gian người bệnh được chạy ECMO, tim phổi sẽ được nghỉ ngơi, có thêm thời gian chờ để đáp ứng với các biện pháp điều trị và hồi phục dần, trong khi cơ thể vẫn được nuôi dưỡng, cung cấp đủ Oxy qua hệ thống EMCO.

Các phương pháp triển khai ECMO:

ECMO có hai hình thức chính: Veno-venous (VV) và Veno-arterial (VA).

ECMO Veno-Arterial (VA): Trong ECMO VA, máu được lấy từ tĩnh mạch, qua hệ thống máy lọc và màng sinh lý, sau đó được đưa trở lại vào động mạch, không chỉ cung cấp oxy cho hệ thống mà còn giúp hỗ trợ tim đảm bảo tuần hoàn cho cơ thể.

ECMO Veno-venous (VV): Trong ECMO VV, máu được lấy từ tĩnh mạch, qua hệ thống máy lọc và màng sinh ly để tăng cường nồng độ oxi, và sau đó trở lại vào tĩnh mạch để cung cấp oxi cho phổi. Điều này giúp giảm gánh nặng cho phổi và hỗ trợ quá trình hô hấp.

Với khả năng cứu sống nhiều người bệnh trong những tình huống khẩn cấp, ECMO đã nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người trên toàn thế giới. Mặc dù có những hạn chế và chi phí cao, sự phát triển và ứng dụng của ECMO đang tiếp tục giúp mang lại hi vọng và thay đổi cách chúng ta đối mặt với những thách thức về sức khỏe nghiêm trọng.

Picture1.jpg

Hình ảnh thực hiện kỹ thuật ECMO tại Khoa HSTC Bệnh viện Phổi Trung ương.

Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện tuyến cao nhất về điều trị các bệnh lý hô hấp, nơi tập trung nhiều ca bệnh nặng từ các tuyến chuyển lên. Người bệnh có bệnh lý hô hấp nặng với nhiều bệnh đồng mắc đa dạng, phức tạp được hội chẩn, tập trung trí tuệ, năng lực từ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị. Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Phổi Trung ương có nhiều cán bộ học tập, ứng dụng triển khai nhiều kỹ thuật cao trong điều trị người bệnh suy hô hấp nặng, như kỹ thuật lọc máu  liên tục, kỹ thuật thay huyết tương, kỹ thuật tim phổi nhân tạo ECMO, hồi sức chăm sóc người bệnh chờ ghép và sau ghép phổi…

Picture2.jpg

Người bệnh nặng được ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại (ECMO, Lọc máu liên tục, chăm sóc toàn diện,…)

Kỹ thuật ECMO tại Khoa Hồi sức tích cực được ứng dụng triển khai từ năm 2018. Do đặc điểm tập trung bệnh lý hô hấp, nên việc triển khai kỹ thuật ECMO V-V được triển khai nhiều hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người có bệnh lý hô hấp hặng có cơ hội chờ hồi phục hoặc chờ ghép phổi. 

Picture3.jpg

Triển khai kỹ thuật ECMO và lọc máu liên tục trong đại dịch Covid-19

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, khoa đã cử nhiều chuyên gia tham gia điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương tại Đồng Nai, tiêu biểu tại thời điểm đó đã ứng dụng kỹ thuật ECMO cứu sống sản phụ mang thai ở tuần thứ 31 mắc Covid-19 nguy kịch, phối hợp nhiều chuyên khoa phẫu thuật mổ sinh bé 1,7 kg chào đời an toàn, người mẹ ổn định ra viện sau 45 ngày điều trị.

Picture4.png

Ứng dụng kỹ thuật ECMO cứu sống sản phụ mắc covid-19 và con chào đời an toàn.

Ứng dụng kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Phổi Trung ương rất đa dạng, bao gồm tình trạng tổn thương phổi tiến triển gây suy hô hấp cấp trên nền người bệnh mắc viêm phổi do virus (Cúm A, Covid-19), vi khuẩn (lao phổi, vi khuẩn đa kháng thuốc, nấm phổi), bệnh phổi mô kẽ, hen phế quản nguy kịch không đáp ứng với các biện pháp điều trị… Có trường hợp tổn thương phổi tiến triển do nhiều căn nguyên (viêm phổi và bệnh phổi mô kẽ…), nhiều trường hợp có bệnh đồng mắc phức tạp (viêm khớp, bệnh tự miễn, đái tháo đường, suy tim…) được cứu sống sau khi ứng dụng kỹ thuật ECMO.

Picture5.png

Nhiều trường hợp người bệnh nặng được cứu sống nhờ kỹ thuật ECMO

Lợi ích và hạn chế của ECMO:

ECMO là một kỹ thuật y học tiên tiến và hiệu quả trong việc cứu sống các bệnh nhân suy tim và suy phổi nặng. Tuy nhiên, như mọi kỹ thuật y học khác, ECMO cũng có những lợi ích và hạn chế cần được xem xét cẩn thận.

Lợi ích:

Cứu sống những bệnh nhân không thể hô hấp hoặc bơm máu đủ để duy trì sự sống.

Cho phép thời gian cho cơ thể phục hồi sau những tình huống khẩn cấp.

Giúp giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân nặng.

Hạn chế:

Kỹ thuật ECMO yêu cầu đội ngũ y tế chuyên nghiệp và tay nghề cao để thực hiện và quản lý.

Chi phí cao và tài nguyên y tế phức tạp.

Nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng khác từ việc đưa máy vào cơ thể.

Ứng dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo ECMO cho người bệnh suy hô hấp nặng tại Bệnh viện Phổi Trung ương đã đem lại những lợi ích to lớn trong việc cứu sống những bệnh nhân trước đây được coi là không thể cứu chữa. Tuy có những hạn chế và thách thức, sự tiến bộ trong kỹ thuật y học luôn tiếp tục cải thiện ECMO và đem lại hi vọng cho nhiều người bệnh hô hấp nặng và nguy kịch.