HẠ THÂN NHIỆT CHỈ HUY (TARGETED TEMPERATURE MANAGEMENT) VÀ NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT
HẠ THÂN NHIỆT CHỈ HUY (TARGETED TEMPERATURE MANAGEMENT) VÀ NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT
Hạ thân nhiệt chỉ huy là một kỹ thuật hồi sức cấp cứu giúp cải thiện tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh ở những bệnh nhân hôn mê sau ngừng tim và một số bệnh lý khác.
Hạ thân nhiệt chỉ huy là gì
Hạ thân nhiệt chỉ huy (targeted temperature management) hay còn gọi là “kiểm soát thân nhiệt theo đích” là một kỹ thuật sử dụng các phương pháp làm lạnh khác nhau để kiểm soát thân nhiệt người bệnh một cách chủ động, nhiệt độ cơ thể người bệnh sẽ được đưa xuống dưới mức nhiệt độ sinh lý bình thường.
Thông thường, thân nhiệt bệnh nhân sẽ được giữ ở mức từ 32 - 36oC trong vòng ít nhất 24 giờ sau ngưng tuần hoàn, mục đích nhằm giảm tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh, giúp bệnh nhân có cơ hội sống sót và phục hồi ý thức.
Cơ chế
Cơ chế bảo vệ não trong hạ thân nhiệt chỉ huy bao gồm:
- Giảm tổn thương tế bào
- Giảm quá trình chết theo chương trình của tế bào thần kinh
- Giảm sản xuất các gốc oxy tự do
- Giảm độc tính kích thích
- Ức chế hoạt động động kinh cũng làm giảm nguy cơ nhiễm độc kích thích
- Giảm phản ứng viêm có hại và phù nề
- Suy giảm chức năng bạch cầu trung tính và đại thực bào sẽ làm giảm kích thước của vết thương và giảm phù nề
- Giảm tính thấm của hàng rào máu não, đồng thời làm giảm phù nề
- Giảm tốc độ trao đổi chất của não, với nhiều lợi ích:
- Giảm tiêu thụ oxy và glucose bởi mô não phù nề (6-10% mỗi 1°C)
- Giảm áp lực nội sọ (do đó, cải thiện tưới máu của não khỏe mạnh)
Phân loại
Hạ thân nhiệt chỉ huy có thể thực hiện bằng hai cách:
- Hạ thân nhiệt ngoại biên (hạ thân nhiệt bề mặt): Sự dụng tấm dán chuyên dụng, tấm lạnh, chăn lạnh,... kết nối với hệ thống máy điều khiển để kiểm soát thân nhiệt từ ngoại vi. Nếu bệnh nhân có nhiễm trùng ngoài da diện rộng, có nguy cơ tổn thương do miếng dán hạ nhiệt nên lựa chọn phương pháp hạ thân nhiệt trung tâm.
- Hạ thân nhiệt trung tâm (hạ thân nhiệt nội mạch): một catheter bao gồm các bóng chứa dung dịch lạnh được đưa vào tĩnh mạch trung tâm để làm lạnh dòng máu tuần hoàn trong cơ thể thông qua hệ thông máy điều kiển kết nối với catheter.
Chỉ định hạ thân nhiệt chỉ huy
Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy được khuyến cáo áp dụng cho tất cả các bệnh nhân hôn mê sau ngừng tuần hoàn
Ngoài ra hạ thân nhiệt chỉ huy còn đang được nghiên cứu áp dụng cho một số trường hợp: Động kinh kháng trị; Tăng áp lực nội sọ trong đột quỵ não; Tăng thân nhiệt ác tính; ARDS (hội chứng suy hô hấp tiến triển)…
Quá trình, các giai đoạn hạ thân nhiệt chỉ huy
Hạ thân nhiệt chỉ huy nên thực hiện càng sớm càng tốt sau khi ngừng tuần hoàn. Các giai đoạn của hạ thân nhiệt chỉ huy:
Giai đoạn 1: Hạ thân nhiệt nhanh
Nhiệt độ trung tâm cơ thể nhanh chóng được đưa đến mức mục tiêu (32°C -36°C) trong khoảng thời gian nhanh nhất, thông thường là từ 1 - 3 tiếng.
Giai đoạn 2: Duy trì thân nhiệt mục tiêu
Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh và chiến lược của từng trung tâm hồi sức mà nhiệt độ trung tâm mục tiêu của người bệnh có thể được duy trì trong 24 - 48 tiếng.
Giai đoạn 3: Làm ấm trở lại
Mức tăng thân nhiệt chậm mỗi 0.1 - 0.25°C/ giờ (thông thường 0.25°C/ giờ) một cách nghiêm ngặt được áp dụng để tránh biến chứng rối loạn huyết động, và tổn thương thần kinh do tăng thân nhiệt đột ngột gây ra.
Giai đoạn 4: Duy trì thân nhiệt bình thường
Trong giai đoạn này nhiệt độ trung tâm cơ thể được duy trì từ 36.5°C -37.5°C trong khoảng thời gian 24 tiếng. Giai đoạn này là rất cần thiết để tránh hiện tượng sốt cao sau hạ thân nhiệt - một phản ứng của cơ thể, có thể gây tổn thương não bộ nặng nề hơn.
Các thay đổi sinh lý, nguy cơ tai biến
Trong quá trình hạ thân nhiệt có thể xảy ra các phản ứng, thay đổi như: Rét run, thay đổi nhịp tim, rối loạn đường huyết, rối loạn điện giải, rối loạn đông máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng,…
Ngoài ra một số nguy cơ tai biến liên quan đến từng kỹ thuật có thể xảy ra như: tổn thương da trong phương pháp hạ thân nhiệt bề mặt, nhiễm trùng huyết trong phương pháp hạ thân nhiệt nội mạch…
Các phản ứng, nguy cơ tai biến sẽ được các bác sĩ khám, đánh giá lâm sàng, xét nghiệm và kiểm soát bằng thuốc để giảm tối đa các nguy cơ bất lợi cho bệnh nhân.
Hướng dẫn người bệnh
Dù hạ thân nhiệt chỉ huy là một kỹ thuật rất hiện đại giúp hồi sức những bệnh nhân hôn mê sau ngừng tim, tuy nhiên tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh vẫn còn rất cao. Vì vậy người bệnh cần có các biện pháp bảo vệ, thăm khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và xử trí các bệnh lý tiểm ẩn có nguy cơ rủi ro gây ngừng tim.
Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy tại bệnh viện Phổi Trung ương
Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy đã được áp dụng tại Bệnh viện Phổi Trung Ương kịp thời cứu chữa nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn. Để điều trị hạ thân nhiệt đem lại kết quả cao đòi hỏi phải phối hợp tốt giữa các chuyên khoa, người bệnh ngưng tim phải được đưa đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất, quá trình cấp cứu ngưng tim phổi phải được tiến hành nhanh chóng, tích cực, theo đúng phác đồ để khôi phục lại tuần hoàn sớm nhất.
Khoa Cấp cứu bệnh viện Phổi Trung ương với cơ sở hạ tầng, máy móc kỹ thuật hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ chuyên gia có kinh nghiệm đảm bảo điều trị, chăm sóc toàn diện cho không chỉ những người bệnh sau ngừng tuần có chỉ định hạ thân nhiệt chỉ huy mà còn với tất các các bệnh lý cấp cứu hô hấp khác.
Tài liệu tham khảo
- AHA Guidelines for CPR and ECC, https://www.ahajournals.org/doi/epub/10.1161/CIR.0000000000000916