Ngày đăng: 13/12/2023

HO RA MÁU: NGUYÊN NHÂN, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Ho ra máu là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của nhiều bệnh lý ở phổi. Ho ra máu nếu không điều trị kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng, hậu quả nặng nề cho người bệnh.

Ho ra máu là gì?

Ho ra máu là tình trạng máu từ đường hô hấp dưới được ho khạc ra ngoài qua đường miệng, mũi. Ho ra máu có nhiều mức độ khác nhau, có thể từ ít máu lẫn trong đờm tới ho ra máu nặng đe dọa tính mạng. Ho ra máu là một tình trạng thường gặp trong cấp cứu về bệnh lao và bệnh phổi ở nước ta hiện nay, tỉ lệ tử vong cao. 

Các dấu hiệu, triệu chứng

Người bệnh có thể có một số dấu hiệu báo trước ho ra máu như sau:

  • Cảm giác khó chịu, hồi hộp, cảm giác nóng ran sau xương ức.
  • Khó thở, khò khè.
  • Lợm giọng, ngứa cổ họng
  • Có vị tanh của máu trong miệng, sau đó ho, khạc, trào ộc máu từ đường hô hấp dưới ra ngoài

Trong đa số các trường hợp ho ra máu mức độ ít, lần đầu, bệnh nhân không có các dấu hiệu toàn thân trừ trường hợp ho ra máu có nguyên nhân liên quan đến các bệnh lý toàn thân. Trong trường hợp bệnh nhân ho ra máu nhiều hoặc ho ra máu kéo dài có thể có: 

  • Hội chứng suy hô hấp cấp: tùy thuộc mức độ ho ra máu và tình trạng bệnh lý phổi có thể thấy tình trạng suy hô hấp từ nhẹ đến nặng thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân do các cục máu lấp đầy khí phế quản.
  • Hội chứng thiếu máu: biểu hiện bằng da xanh, niêm mạc nhợt, hạ huyết áp, tình trạng sốc giảm thể tích.

Các nguyên nhân gây ho ra máu

Khi người bệnh bị ho ra máu, đây có thể là triệu chứng cảnh báo của một số bệnh lý sau:

  • Bệnh lao phổi
  • Giãn phế quản
  • Ung thư phổi
  • Các bệnh nhiễm khuẩn phổi – phế quản khác ngoài vi khuẩn lao: Viêm phổi, áp xe phổi, nấm phổi, sán lá phổi…
  • Tắc mạch phổi
  • Bệnh lý tim mạch: Hẹp hai lá, phù phổi cấp
  • Ngoài ra còn có thể gặp các nguyên nhân: Rối loạn đông máu, chấn thương, dị vật…

Ho ra máu có nguy hiểm không?

Ho ra máu là một triệu chứng nguy hiểm, triệu chứng này không thể coi thường. Trong nhiều trường hợp nó được xem là một cấp cứu nội khoa, nếu không điều trị kịp thời có thể tiến triển nặng hơn để lại nhiều biến chứng nặng nề cho người bệnh, thậm chí tử vong.

Các phương pháp chẩn đoán ho ra máu

Để chẩn đoán ho ra máu, bác sĩ sẽ thăm hỏi bệnh sử, các triệu chứng tiền căn bệnh lý của bản thân bệnh nhân và gia đình. Tiếp đó bệnh nhân sẽ được khám hô hấp và các cơ quan khác. Để hỗ trợ chẩn đoán bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm sau: 

  • Xquang tim phổi (thẳng – nghiêng): Thường không giúp khu trú vị trí chảy máu, có thể định hướng nguyên nhân. Các thâm nhiễm khu trú hay lan tỏa trên Xquang có thể do máu ứ đọng trong phế nang
  • Chụp CT Scanner ngực: Xác định một số bệnh lý phế quản phổi mà mà phim Xquang tim phổi không thấy rõ như giãn phế quản, u phổi nhỏ, các tổn thương ở vị trí gần tim, trung thất… Khi nghi tắc động mạch phổi cần chụp CT có tiêm thuốc cản quang, có tái tạo động mạch phổi, tìm các huyết khối trong các động mạch cỡ trung bình trở lên.
  • Xét nghiệm máu:
    • Công thức máu: đánh giá tình trạng thiếu máu cũng như tiên lượng mức độ nặng. Nhóm máu cần được làm sớm để chuẩn bị cho những trường hợp cần phải truyền máu. Số lượng tiểu cầu, bạch cầu đánh giá rối loạn đông máu, nhiễm trùng.
    • Đông máu: Thời gian máu chảy, máu đông, tỷ lệ prothrombin, INR, fibrinogen..., liên quan đến nguyên nhân ho ra máu và chỉ định can thiệp thủ thuật.
    • Sinh hóa máu: Glucose, Chức năng gan thận…
  • Khí máu động mạch: Có thể có giảm oxy máu…
  • Soi phế quản: bằng ống mềm có thể xác định được bên, vị trí tổn thương và căn nguyên gây chảy máu, lấy dịch rửa phế quản xét nghiệm tế bào, tìm vi khuẩn gây bệnh.
  • Xét nghiệm đờm: Soi trực tiếp tìm AFB, nuôi cấy Bactec, PCR, Gen Xpert, TB LAMP, TRCready tìm vi khuẩn lao, hoặc nuôi cấy tìm nấm và vi khuẩn ngoài lao. Có thể soi đờm tìm tế bào ác tính nhưng tỷ lệ dương tính không cao.
  • Xét nghiệm nước tiểu: cần thiết nếu nghi ngờ bệnh tự miễn

unnamed.png

Chụp cắt lớp vi tính chẩn đoán nguyên nhân gây ho ra máu (Lao phổi)

Cần phân biệt ho ra máu với nôn ra máu

Ho ra máu là máu chảy từ đường hô hấp dưới (dưới thanh môn), cần phân biệt với giả ho ra máu có biểu hiện khạc ra máu từ đường miệng nhưng nguyên nhân xuất phát từ vị trí khác như: 

  • Chảy máu đường tiêu hóa trên (nôn ra máu)
  • Chảy máu do nguyên nhân ở tai mũi họng, răng hàm mặt.

Một số đặc điểm phân biệt ho ra máu và nôn ra máu:

Đặc điểmHo ra máuNôn ra máu
Triệu chứng đi trướcHo, ngứa họngBuồn nôn, nôn
Tiền cănBệnh tim – phổiBệnh tiêu hóa
Hình thểCó bọtKhông có bọt, có thể lẫn thức ăn
Màu sắcĐỏ tươiĐỏ tươi, nâu hay màu bã cafe
Biểu hiệnLẫn với mủLẫn thức ăn
Triệu chứng đi kèmKhó thở, ho, đau ngực; đi ngoài phân bình thường (có phân đen khi nuốt phải đờm máu)Ợ hơi, buồn nôn, đau thượng vị, đi ngoài phân đen

Các phương pháp điều trị ho ra máu

Nguyên tắc điều trị

Căn cứ vào các nguyên nhân và mức độ ho ra máu mà người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các phương pháp can thiệp, điều trị khác nhau với mục tiêu chung là: Bảo vệ đường thở, xác định vị trí chảy máu và bảo vệ phổi lành, kiểm soát chảy máu và điều trị nguyên nhân.

Điều trị hồi sức: Ngoài thở oxy, trong nhiều trường hợp người bệnh ho ra máu nặng, nguy kịch tính mạng bác sĩ có thể sẽ cần thực hiện các thủ thuật hồi sức như đặt ống nội khí quản, thở máy, khai thông đường thở, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm bù dịch, truyền máu…

Điều trị nội khoa bằng thuốc: Bao gồm các nhóm thuốc sau

  • Thuốc an thần, giải lo: Morphin, Diazepam, Clopromazin, Pethidine Hydrochloride
  • Thuốc chống dị ứng: Diphenhydramine
  • Thuốc chống tiêu sợi huyết: Acid tranexamic
  • Các thuốc cầm máu khác: Carbazochrom dihydrate, Etamsylat
  • Các thuốc điều trị rối loạn đông máu
  • Các thuốc điều trị nguyên nhân: Thuốc lao (bệnh lao); kháng sinh (viêm phổi, giãn phế quản bội nhiễm); hóa chất, xạ trị, điều trị đích, miễn dịch (ung thư phổi)…

Can thiệp cầm máu

  • Nội soi phế quản cầm máu
  • Nút mạch phế quản, nút mạch phổi
  • Phẫu thuật

Phòng ngừa ho ra máu

Các biện pháp phòng ngừa ho ra máu chủ yếu là các biện pháp bảo vệ sức khỏe phổi chung:

  • Bỏ hút thuốc
  • Tránh các chất kích thích và chất gây dị ứng gây ho
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
  • Điều trị bệnh căn nguyên gây ra ho máu

Người bệnh cần làm gì khi ho ra máu

Khi xuất hiện tình trạng ho ra máu dù ít hay nhiều, người bệnh nên nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Một số lời khuyên cho người bệnh ho ra máu khi chưa tiếp cận được cơ sở y tế: Nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh vận động mạnh; ưu tiên ăn với các món lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, canh,…; kiêng các thực phẩm chứa chất kích thích như trà đặc, cà phê, ớt, rượu, thuốc lá…

Chẩn đoán, điều trị ho ra máu tại Bệnh viện Phổi Trung ương

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Phổi Trung ương là chuyên khoa sâu chuyên xử trí các bệnh lý ho ra máu, hằng năm tiếp nhận hàng nghìn trường hợp ho ra máu từ nặng đến nhẹ đến khám và điều trị cũng như nhiều trường hợp bệnh nặng phức tạp từ các tuyến cơ sở chuyển đến. 

Với cở sở trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành nhiều kinh nghiệm, khoa Cấp cứu Bệnh viện Phổi Trung ương có khả năng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc toàn diện cho những bệnh nhân ho ra máu.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Văn Sáng (2014), Bệnh học lao.

2. AAFP. Hemoptysis: Diagnosis and Management

3. Https://www.uptodate.com/contents/evaluation-and-management-of-life-threatening-hemoptysis