Ngày đăng: 13/12/2023

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG ACETYLCYSTEIN 200mg DẠNG UỐNG

Trên thị trường, người bệnh thường gặp acetylcysteine dưới dạng gói thuốc bột để tiêu đờm, hàm lượng 100-200mg. Để sử dụng thuốc một cách an toàn và đạt được hiệu quả cao trong chỉ định này, người bệnh cần nắm rõ những thông tin về acetylcystein như sau:

1. Đặc tính dược học và cơ chế tác dụng

Cơ chế tác dụng:

Acetylcystein có tác dụng làm giảm độ quánh của đờm (đờm có mủ hoặc không có mủ), tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài bằng phản xạ ho, dẫn lưu hoặc phương pháp cơ học. Tác dụng này của acetylcystein thông qua nhóm sulfhydryl tự do, làm giảm liên kết disulfid của mucoprotein từ đó làm giảm độ quánh của đờm. Tác dụng này mạnh nhất ở pH 7 - 9.

Dược động học:

Sau khi uống, Acetylcystein được hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên sinh khả dụng thấp do acetylcysteine được chuyển hóa bước đầu qua gan. Khi vào cơ thể, 66-87% thuốc liên kết với protein huyết tương. Thuốc được chuyển hóa nhanh và chủ yếu qua gan tạo thành cystein và hợp chất disulfid. Cystein sau đó được chuyển hóa thành glutathion và các chất chuyển hóa khác. Acetylcystein được thải trừ gần như hoàn toàn qua thận dưới dạng các chất chuyển hóa.

2. Chỉ định

Điều trị tiêu đờm trong các bệnh phế quản – phổi cấp và mạn tính kèm theo suy yếu hình thành và vận chuyển chất nhầy.

3. Chống chỉ định

Mẫn cảm với acetylcystein hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

4. Liều lượng và cách dùng:

4.1. Liều lượng:

Liều trong điều trị tiêu đờm theo Dược Thư Quốc Gia Việt Nam 2022

Người lớn và thiếu nên trên 12 tuổi: Uống một liều đơn 600mg/ngày (dạng viên nén, viên sủi hòa tan) hoặc 200mg/lần x 3 lần/ngày (dạng thuốc bột pha dung dịch)

Tuy nhiên trên thị trường hiện nay, một số sản phẩm vẫn có khuyến cáo dùng cho trẻ em 2-14 tuổi (liều trẻ 2-6 tuổi: 200mg/ngày; trẻ trên 6 tuổi 400mg/ngày)

4.2 Cách dùng:

Thuốc cần hoà tan vào nước và uống sau các bữa ăn.

5. Thận trọng:

Khi điều trị với acetylcystein, bệnh nhân có thể xuất hiện nhiều đờm loãng ở phế quản. Nếu bệnh nhân giảm khả năng ho và khạc đờm, cần phải hút đờm. Ngoài ra thuốc làm loãng đờm có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp ở trẻ dưới 2 tuổi, do ở tuổi này trẻ ít khả năng khạc đờm. Hiệu quả và an toàn của dạng thuốc uống để làm loãng đờm chưa được khẳng định ở trẻ dưới 12 tuổi. 

6. Phụ nữ có thai:

Chỉ nên sử dụng thuốc dạng uống trong thời kỳ mang thai khi thực sự cần thiết.

7. Phụ nữ cho con bú:

Không nên cho con bú trong thời gian dùng acetylcystein

8. Tác dụng không mong muốn của thuốc acetylcystein :

Các tác dụng phụ thường gặp gồm:

-Buồn nôn, nôn, đau bụng và ban da, kèm hoặc không kèm sốt. 

Các tác dụng phụ ít gặp gồm:

-Phản ứng quá mẫn(co thắt phế quản, khó thở, ngứa, mày đay, phát ban, phù mạch và nhịp tim nhanh, hạ huyết áp), đau đầu, ù tai.

Các tác dụng phụ  rất hiếm gặp gồm:

-Sốc phản vệ, phản ứng giống phản vệ, xuất huyết

9. Hướng dẫn xử trí tác dụng không mong muốn:

Pha loãng dung dịch acetylcystein có thể giúp làm giảm phản ứng gây nôn. 

Trường hợp xuất hiện hoặc nghi ngờ phản ứng phản vệ: Ngừng thuốc và điều trị cấp cứu phản vệ. 

10. Tương tác thuốc:

Thuốc giảm ho: Không được dùng đồng thời các thuốc giảm họ trong thời gian điều trị bằng acetylcystein, do giảm phản xạ ho có thể gây tích tụ dịch tiết phế quản.

Nitroglycerin: Acetylcystein có thể tăng cường tác dụng giãn mạch của nitroglycerin. Cần thận trọng khi dùng đồng thời 2 thuốc. Bệnh nhân cần theo dõi về khả năng bị tụt huyết áp, đau đầu khi dùng đồng thời.

Than hoạt tính: Than hoạt liều cao (chất giải độc đặc hiệu) có thể làm giảm tác dụng của acetylcystein. 

Thay đổi các thông số xét nghiệm: Acetylcystein có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm salicylat bằng phân tích so màu. 

11. Cách bảo quản thuốc: Không bảo quản trên 30oC

Tài liệu tham khảo

1. Dược thư quốc gia Việt Nam về acetylcystein năm 2022

2. Briggs Drugs in Pregnancy and Lactation, Lexicomp online, truy cập ngày 23/11/2023