Ngày đăng: 13/12/2023

MỞ KHÍ QUẢN (TRACHEOSTOMY) VÀ NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT

  1. Tổng quan

Mở khí quản là kỹ thuật được thực hiện bởi các bác sĩ hồi sức cấp cứu, bác sĩ Tai - Mũi - Họng, được thực hiện trong trường hợp bệnh nhân cấp cứu hoặc bệnh nhân nặng mà không có khả năng tự thở bằng mũi, miệng, bệnh nhân đặt ống nội khí quản dài ngày, hoặc được thực hiện trước khi phẫu thuật vùng mặt và cổ. Mở khí quản được áp dụng rộng rãi trong các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, hô hấp,  gây mê hồi sức, cấp cứu ngoại khoa và trong chấn thương.

  1. Định nghĩa:

Mở khí quản là kỹ thuật mở da, cân cơ vùng cổ,  bộc lộ khí quản, rạch khí quản và đưa một ống thông vào khí quản để duy trì đường thở cho bệnh nhân. 

Mục đích của việc mở khí quản là tạo một đường dẫn khí ngắn hơn thông thường giúp giảm khoảng chết sinh lý cho bệnh nhân.

  1. Chỉ định:
  • Các trường hợp cần thông khí nhân tạo dài ngày.
  • Các bệnh lý gây suy hô hấp khó phục hồi: các bệnh lý thần kinh, hôn mê, nhược cơ, uốn ván…
  • Tắc đường thở do tắc đờm, ứ đọng đờm dãi, dịch phế quản mà đặt ống nội khí quản không giải quyết được.
  • Các chấn thương ở họng và thanh quản, dị tật bẩm sinh ở họng thanh quản, các khối u vùng hạ họng thanh quản, di chứng sẹo hẹp thanh khí quản gây suy hô hấp cần mở khí quản.
  • Các biểu hiện liệt thanh quản hai bên
  • Các chấn thương nặng như chấn thương sọ não lồng ngực,  răng hàm mặt, bỏng nặng,... phải thực hiện kỹ thuật mở khí quản để tạo điều kiện để bệnh nhân hồi sức. Còn có mục đích khác là cho phép di chuyển đến những trung tâm cần thiết.
  1. Chống chỉ định ( tương đối)
  • Rối loạn đông máu  INR >1.5, tiểu cầu < 50G/L
  • Đang nhiễm trùng da mô mềm vùng cổ, Viêm trung thất…
  • Các bệnh lý gây biến dạng vùng cổ: u, bướu giáp…
  1. Quy trình kỹ thuật
    1. Chuẩn bị
  • Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, bác sĩ tai mũi họng
  • Dụng cụ: Bộ dụng cụ phẫu tích phần mềm, banh Farabeuf, banh khí quản 3 chạc, kẹp chữ T, bộ Canyl khí quản, máy hút đờm, bóng Ambu...
  • Chuẩn bị bệnh nhân: Động viên giải thích rõ ràng lợi ích và nguy cơ của thủ thuật mở khí quản với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
  1. Các bước thực hiện kỹ thuật:
    1. Vô cảm
  • Gây mê toàn thân
  • Gây tê tại chỗ bằng Lidocain 1%
  1. Kỹ thuật mở khí quản:
  • Xác định mốc, đánh dấu vị trí mở khí quản
  • Sát khuẩn, trải khăn vô trùng
  • Rạch da theo đường dọc giữa cổ, từ phía dưới sụn nhẫn, dài khoảng 2-3cm
  • Dùng banh Farabeuf vén kéo lớp da sang 2 bên và cố định khí quản ở giữa
  • Dùng banh đầu nhọn tách từng lớp cân cơ theo chiều dọc, để bộc lộ khí quản
  • Dùng dao rạch 1 đường ngang giữa 2 vòng sụn khí quản
  • Dùng banh Laborde mở rộng lỗ mở khí quản để đưa canyl mở khí quản vào khí quản, bơm cuff
  • Cố định canyl mở khí quản.
  1. Các đường rạch khí quản
  • Đường rạch khí quản cao: đường rạch vào vòng sụn khí quản 1,2,3.
  • Đường rạch khí quản thấp: đường rạch vào vòng sụn khí quản 4,5,6
  1. Nguy cơ, biến chứng khi thực hiện thủ thuật
    1. Nguy cơ biến chứng sớm
  • Không đưa được canyl vào khí quản
  • Thủng thành sau khí quản
  • Chảy máu
  • Ngừng thở, ngừng tim
  • Tràn khí dưới da
  • Tuột canyl mở khí quản ra ngoài
  1. Nguy cơ biên chứng muộn
  • Nhiễm khuẩn vết mổ
  • Hẹp khí quản
  • Rò thực quản – khí quản
  • Tắc đờm
  1. Theo dõi sau khi thực hiện thủ thuật mở khí quản
  • Chụp XQ ngực kiểm tra
  • Theo dõi màu sắc đờm
  • Thông khí nhân tạo nếu cần
  • Theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, sp02…

mo khi quan 3.jpgmo khi quan 2.jpgmo khi quan 1.jpg

Kỹ thuật mở khí quản là kỹ thuật quan trọng trong cấp cứu một số trường hợp nguy hiểm đến tính mạng, hoặc các trường hợp thở máy dài ngày, cần chăm sóc tích cực, được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm

Bệnh viện Phổi trung ương đã ứng dụng kỹ thuật mở khí quản trong quá trình cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng nguy kịch cần thở máy dài ngày và chăm sóc tích cực. Kỹ thuật mở khí quản tại Bệnh viện Phổi trung ương được thực hiện bài bản, đúng chuẩn quy trình bởi đội ngũ y bác sĩ tay nghề chuyên môn cao, hệ thống máy móc hiện đại. Từ đó đem lại hiệu quả điều trị bệnh tối ưu cho người bệnh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Vũ Văn Đính, Hồi sức cấp cứu toàn tập, 2020
  2. Robert C Hyzy, MD, Tracheostomy: Rationale, indications, and contraindications, Uptodate 2023
  3. Robert C Hyzy, MD, Tracheostomy in adults: Techniques and intraoperative complications, Uptodate 2023