Ngày đăng: 13/12/2023

PHÒNG NGỪA MẮC LAO

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm, do vi khuẩn lao gây nên, bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể phổ biến nhất (chiếm 80- 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. 

Những yếu tố liên quan đến sự lây truyền bệnh lao phụ thuộc số lượng vi khuẩn lao do người bệnh khạc ra và sự thông khí tại khu vực phơi nhiễm; thời gian tiếp xúc của người lành với các hạt khí dung bị nhiễm vi khuẩn lao; mức độ vi khuẩn càng nhiều, thời gian tiếp xúc thường xuyên tiên tục tỷ lệ lây nhiễm càng cao. Vì vậy để dự phòng bệnh lao cần áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao và giảm nguy cơ từ nhiễm lao sang bệnh lao. 

GIẢM NGUY CƠ NHIỄM VI KHUẨN LAO

Để giảm nguy cơ nhiễm lao cần kiểm soát vệ sinh môi trường tại cơ sở y tế và gia đình người bệnh.

Tại cơ sở y tế 

Giảm mật độ các hạt nhiễm khuẩn trong không khí: bằng thông gió tốt, cửa đi và cửa sổ của buồng khám, khu chờ và buồng bệnh cần được mở cho thông gió tự nhiên hoặc dùng quạt điện đúng chiều để làm loãng các hạt nhiễm khuẩn và đẩy vi khuẩn ra ngoài, dưới ánh nắng mặt trời vi khuẩn lao sẽ dễ bị tiêu diệt; bố trí vị trí làm việc hợp lý theo chiều thông gió, không để không khí đi từ người bệnh đến cán bộ y tế; thay đổi hành vi của người bệnh (vệ sinh hô hấp) nhằm làm giảm các hạt nhiễm khuẩn ra môi trường như dùng khẩu trang khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho; khạc đờm vào giấy hoặc ca cốc, bỏ đúng nơi quy định; lấy đờm xét nghiệm đúng nơi quy định, tốt nhất là ngoài trời, môi trường thông thoáng.

Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế: Khẩu trang thông thường ít có tác dụng bảo vệ nhiễm vi khuẩn lao, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao cần dùng khẩu trang đạt chuẩn như loại N95 hoặc tương đương trở lên.

Giảm tiếp xúc nguồn lây: Nên có nơi chăm sóc điều trị riêng cho người bệnh lao phổi AFB(+), đặc biệt với lao phổi đa kháng thuốc; trong các cơ sở đặc biệt (trại giam, trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội...) có thể có nhiều người nhiễm HIV khả năng lây nhiễm rất cao, cần cách ly thỏa đáng những người bệnh để điều trị mới tránh được các vụ dịch nghiêm trọng. Để bảo vệ cho người nhiễm HIV đến khám, cần xác định những người nghi lao (ho khạc) để hướng dẫn họ dùng khẩu trang, giấy che miệng, chuyển đến khu chờ riêng hoặc phòng cách ly (nếu có) và ưu tiên khám trước để giảm thời gian tiếp xúc.

Dự phòng lây nhiễm tại hộ gia đình: Người bệnh phải tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả điều trị. Để tránh lây nhiễm lao cho người xung quanh, người bệnh cần đeo khẩu trang  khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi ho, hắt hơi, khạc đờm vào khăn giấy rồi đốt, rửa tay xà phòng thường xuyên; đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở của người bệnh: thông khí tự nhiên cửa ra vào, cửa sổ...) có ánh nắng; thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn màn.

GIẢM NGUY CƠ CHUYỂN TỪ NHIỄM LAO SANG BỆNH LAO

Tiêm vaccin BCG

Vaccin BCG (bacille calmette - Guerin) do Chương trình Tiêm chủng mở rộng thực hiện nhằm giúp cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao. Để có tác dụng, cần tiêm đúng kỹ thuật, đúng liều lượng. Vaccin phải được bảo quản đúng, đảm bảo chất lượng trong toàn bộ dây chuyền đến từng liều sử dụng cho trẻ.

Trẻ  em được tiêm phòng lao bằng BCG có thể tránh được các thể lao nặng như lao kê, lao màng não. Nhưng dù đã tiêm phòng lao, ở thời kỳ chưa có miễn dịch, không nên để trẻ tiếp xúc với nguồn lây; khi  đã có miễn dịch rồi cũng hết sức hạn chế, không để trẻ cùng sống hay tiếp xúc với người ho khạc ra vi khuẩn lao.

Điều trị dự phòng bệnh lao

Người tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao cần được điều trị dự phòng mắc bệnh. Hiện nay, có nhiều phác đồ khác nhau trong điều trị dự phòng, bác sĩ điều trị sẽ quyết định phác đồ dựa trên từng đối tượng.